Các thầy cho hỏi nghiện ma túy đá có cai được không

NGHIỆN MA TÚY ĐÁ CÓ CAI ĐƯỢC KHÔNG ?

Với người nghiện Heroin khi dừng sử dụng lập tức cơ thể sẽ xuất hiện hội chứng cai ( ngáp, chảy nước mắt, hắt hơi, sổ mũi, đau bụng đi ngoài, sốt nóng, sốt lạnh, dòi bò, đau nhức trong xương và vật vã cuồng loạn), hội chứng này sẽ kéo dài khoảng từ 3 đến 5 ngày. Khi muốn cắt cơn nghiện heroin người nghiện phải cần đến sự hỗ trợ của thầy thuốc. Khi người bệnh đã hết cơn, ăn ngủ lại được thì cơ thể sẽ phục hồi rất nhanh, nhưng khả năng tái nghiện rất cao, có thể nghiện lại bất cứ lúc nào.
Ở người nghiện ma túy đá sẽ xẩy ra ba giai đoạn.

Giai đoạn 1: Khi dừng sử dụng ma túy đá người nghiện sẽ xuất hiện tình trạng khó chịu, bồn chồn, mệt mỏi, kiệt sức, nhưng không có hiện tượng vật vã dữ dội nên bệnh nhân có thể tự vượt qua được, thậm chí không cần đến sự can thiệp của thầy thuốc.

Giai đoạn 2 : Khi người bệnh đã dùng đá thường xuyên, hoặc hai ba ngày một lần hoặc dùng thường xuyên hàng ngày thì khi muốn nghỉ sẽ rất khó khăn. Mặc dù họ thường cho rằng họ sẽ tự bỏ được nhưng trong thực tế nếu không có sự cưỡng chế quản thúc chặt chẽ của gia đình và sự trợ giúp của thầy thuốc thì gần như 100% bệnh nhân đều không vượt qua được. Họ đều tìm mọi cách để sử dụng lại ma túy đá, bất chấp mọi hậu quả.

Giai đoạn 3: Người nghiện càng dùng nhiều ma túy đá thì các dấu hiệu rối loạn cơ thể, rối loạn thần kinh càng dữ dội và bị rơi vào trạng thái mất kiểm soát cảm xúc và hành vi (loạn thần). Đây là chỉ báo của hệ thống thần kinh đã hoàn toàn bị suy kiệt và rối loạn (sập) cần được cấp cứu kịp thời.

Người nghiện ma túy đá dù ở giai đoạn nào ? mức độ nào ? sau khi dừng sử dụng đều để lại nhiều hậu quả rất xấu cho cơ thể tùy theo các mức độ nặng nhẹ khác nhau như: Nhiễm độc và suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, gây bệnh cho tim, tổn thương não, giảm trí nhớ, mất trí nhớ và rối loạn tâm thần. Có một thực tế mà không phải ai cũng biết là ngay cả khi người nghiện đã bỏ ma túy đá được nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm mà không được điều trị đúng cách thì tình trạng suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh và rối loạn tâm thần không thể tự hết được. Người bệnh thường rơi vào trầm cảm, khó tập trung vào công việc, hay quên, chóng quên, luôn dằn vặt, hay tiêu cực, bi quan và buông xuôi, họ không còn khả năng cảm nhận niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống nữa, nên rất dễ tái sử dụng lại ma tuý đá. Cai nghiện ma túy đá cũng như cai nghiện ma túy nói chung là tổng hợp của cả một chuỗi các biện pháp như : Cắt cơn, giải độc, phục hồi thần kinh, phục hồi cơ thể và điều trị tâm lí, nếu được điều trị tốt người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn. Nghiện ma túy đá điều trị cai nghiện và phục hồi rất khó khăn và tốn kém nhưng khả năng tái nghiện không cao như khi nghiện heroin, nếu được điều trị đúng cách và triệt để.

Hiện tại nghiện ma túy đá vẫn chưa có phác đồ điều trị riêng mà vẫn phải điều trị ké theo phác đồ điều trị các bệnh thần kinh, nên khi thấy bệnh nhân đã có các dấu hiệu loạn thần muốn được điều trị phải đưa đến các chuyên khoa thần kinh, các bệnh viện tâm thần, không nên đưa bệnh nhân vào các trung tâm cai nghiện ma túy như khi cai nghiện heroin trước đây. Tại các trung tâm cai nghiện ma túy  hiện chỉ được sử dụng phác đồ an thần kinh cho cai nghiện heroin được Bộ y tế ban hành từ năm 1995. Tại các trung tâm cai nghiện không được sử dụng các thuốc điều trị tâm thần đặc hiệu nên rất khó khăn khi phải tiếp nhận bệnh nhân nghiện ma túy đá. Điều trị cai nghiện ma túy đá cũng giống như điều trị phục hồi sau tai biến mạch máu não. Sau khi đã được cấp cứu bằng y học hiện đại nên chuyển ngay sang điều trị phục hồi bằng y học cổ truyền càng sớm càng tốt để khả năng phục hồi được cao nhất

Đối tác: Ngân hàng Agribank
Đối tác: Ngân hàng BIDV
Đối tác: Ngân hàng Vietinbank
Đối tác: Công ty thiết kế web ADC
Đối tác: Sông Đà Việt Đức