Nếu có ai hỏi rằng, du xuân nơi đâu đẹp nhất, chắc chắn rằng những người đã từng lên Tây Bắc mùa xuân sẽ trả lời ngay không đắn đo: Lên Tây Bắc.
Những khu vườn bừng sắc trắng hoa mận.
Tết đến, khi những người đi làm ăn xa vật lộn tàu xe để trở về nhà sum họp gia đình thì tôi và chúng bạn cũng vật lộn tàu xe, nhưng là để rời nhà, du xuân. Cũng chẳng phải chỉ có những kẻ sống quanh quẩn phố thị cuồng chân, lại chẳng có quê mà về ăn tết, mới ngược đường Tây Bắc du xuân. Trong đám ưa tự do, lang thang chúng tôi có những người quê miền Trung, miền Nam, tết cũng quay quắt nhớ nhà, về sum họp gia đình. Nhưng chỉ được ba ngày tết, đến mùng 3, mùng 4 lại đã thấy họ háo hức ngao du trên những cung đường xuân miền rẻo cao.
Nhiều người cứ hỏi, miền rẻo cao Tây Bắc có gì mà khiến lũ chúng tôi mê đắm đến thế. Năm nào cũng đi vài ba chuyến, ngày tết lại đi, đến mòn lối xe, thuộc cả cung đường. Có những năm mải vui, theo chúng bạn đi chơi xa, ra nước ngoài hay xuôi về phương nam hưởng nắng ấm, đến khi về vẫn phải cố lên Tây Bắc một chuyến, dù chỉ là vài ngày cuối tuần ngắn ngủi ào qua Mộc Châu hay vội ghé Sa Pa, nếu không sẽ thấy luyến tiếc, nhớ nhung như vừa bỏ quên điều gì.
Xuân ấm áp, gần gũi với đào phai, mận trắng khoe sắc giữa vườn nhà.
Chúng tôi cũng chẳng biết Tây Bắc quyến rũ mình vì cái gì, chỉ biết rằng nếu đã lên Tây Bắc một lần vào mùa xuân, ai cũng muốn trở lại. Tết, mọi người về nhà sum họp, tìm không khí tết ấm áp trong gia đình. Tết ở nhà là phút quây quần bên nồi bánh chưng đêm giao thừa. Còn tết Tây Bắc là khi xúm xít quanh bếp lửa đỏ hồng trong một mái nhà vách gỗ tuềnh toàng giữa lưng chừng núi, trốn cái lạnh đang rít qua từng khe cửa trong ánh mắt thương cảm của cặp vợ chồng nghèo người Mông dành cho lũ trẻ lỡ độ đường. Tết ở nhà dửng dưng với bánh chưng, còn tết Tây Bắc có khi cả lũ hơn chục đứa quây quần trong một mái nhà sàn giữa rừng, chia sẻ hai chiếc bánh chưng mang theo với một gia đình người Thái hiếu khách, thấy miếng bánh chưa bao giờ ngon lạ lùng đến thế. Tết ở nhà cỗ bàn ê hề, còn tết Tây Bắc là khi tranh nhau nướng những củ khoai, củ sắn còi cọc chỉ bằng hai ngón tay trong ánh mắt tò mò, lạ lẫm của những đứa trẻ lấm lem nấp sau vách nhà trộm nhìn đám khách lạ ồn ã.
Tết Tây Bắc là như thế, không có cỗ bàn, chẳng nhiều bánh chưng, nhưng chứa chan ấm áp tình người và thật nhiều hoa đào, hoa mận. Đào thắm giăng kín đường đi, rắc hoa kín lối mòn vào bản. Mận trắng e ấp bên bờ rào, nở trĩu trịt nghiêng cả sườn núi. Cứ lang thang vô định, rồi những con đường như sợi chỉ mảnh vắt vẻo ngang trời thế nào cũng dẫn tới những thung lũng hoa đào, hoa mận bạt ngàn. Dù đã đi bao lần, gặp bao thung hoa như thế, vẫn không thấy chán, vẫn phải chạy ào vào giữa thung hoa, để được nhón bước chân trên nền đất ẩm phủ kín những cánh hoa li ti phơn phớt hồng, để đợi cơn gió xuân thổi qua cho những cánh hoa nhẹ nhàng rơi xuống giăng cài trên tóc. Rồi lại đi tiếp, mang theo những cánh hoa mỏng manh trên tóc, trên vai, rẽ theo những lối mòn ngoằn ngoèo dẫn sâu vào bản, lại mơ màng đến cả giờ đồng hồ bên bờ rào quây quanh nếp nhà lợp gỗ nép dưới gốc đào phai cổ thụ giữa sương chiều bảng lảng, đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Trên đường du xuân ấy, chỉ thấy một nếp váy thổ cẩm sặc sỡ lấp ló bên vách nhà trình tường giữa một vườn đào phai phơn phớt hồng chen lẫn những gốc mận nở hoa trắng tinh khôi, đã thấy xuân thật gần gũi. Vẫn mơ màng với vườn đào đẹp như trong cổ tích, bỗng nghe lanh lảnh tiếng cười của lũ trẻ ngày tết mà vẫn lấm lem, hồn nhiên leo trèo trên gốc đào to nhất trước sân nhà, thấy xuân thật vui vẻ. Đang phóng xe đổ đèo vun vút, bỗng khựng lại ngơ ngẩn trước hai mái đầu của đôi nam nữ người Mông ngồi sát nhau giữa đỉnh đèo, nhìn xuống thung lũng mênh mông mây trắng dưới chân, thấy xuân thật tình tứ. Giữa lúc đang thênh thang trên con đường uốn quanh sườn núi dẫn xuống bản, lại lẳng lặng dừng xe, hòa vào dòng người xúng xính váy áo xuống chợ trẩy hội, thấy xuân thật ấm áp, bình yên.
Cứ như thế, đường du xuân Tây Bắc dài mãi, nối liền những bản làng, miên man trên những con đèo, vắt ngang những sườn núi, ngập tràn tình người, tình xuân.
(Theo Lao Động)