Bằng những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, nhiều công ty dược phẩm trên thế giới đã “biến” những người mạnh khỏe thành con bệnh, đẩy họ đổ xô đến các hiệu thuốc dù không hề có bệnh lý.
Liên tiếp trong thời gian vừa qua, nhiều tạp chí y học danh tiếng trên thế giới đã lên tiếng tố cáo các tập đoàn công nghiệp dược phẩm về việc “sáng tác” ra những căn bệnh để bán thuốc.
Trong 11 báo cáo được đăng tải trên tạp chí Public Library of Science Medicine, các chuyên gia y tế của Anh, Mỹ và một số quốc gia khác đã cảnh báo rằng: Có đến hàng chục căn bệnh được cho là mới xuất hiện trong thời hiện đại và đang tăng nhanh là không có thực hoặc không hề nghiêm trọng như chúng ta vẫn tưởng. Trong số này, chủ yếu là những căn bệnh liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm về sức khỏe như yếu sinh lý, tính hiếu động của trẻ em, các bệnh thần kinh...
Theo các chuyên gia, thực ra đây chỉ là sự đa dạng của tự nhiên, biểu hiện qua những khác biệt ở một số cá nhân mà thời nào cũng có. Thế nhưng, thông qua các chiến dịch quảng cáo rầm rộ do các công ty dược phẩm phát động, những biểu hiện khác biệt này đã được “nhào nặn” thành những căn bệnh nghiêm trọng và phổ biến.
Một trong các tập đoàn công nghiệp dược phẩm có “tài sáng tác” ra nhiều bệnh nhất là Pfizer. Trong một quảng cáo, Pfizer đã khẳng định rằng, trên 50% nam giới ở độ tuổi 50 trở đi bị mắc căn bệnh rối loạn cương dương.
Theo giáo sư John Bankroft, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinsey, Mỹ thì đây là một căn bệnh “bịa đặt”, hoàn toàn không có những “minh chứng bệnh lý”. Bởi, xét về quy luật sinh lý của một đời người thì việc đàn ông sau tuổi 50 có xuất hiện tình trạng rối loạn cương dương cũng là điều bình thường và hợp với lẽ tự nhiên chứ không phải là một căn bệnh.
Theo như quảng cáo của GlaxoSmithKline, có tới 10 -15% người lớn mắc chứng bệnh này và đây là rối loạn không được các thầy thuốc để ý tới... Và kết quả là sau đó ít lâu, GlaxoSmithKline đã được cấp giấy phép cho lưu hành thuốc ropiniol do mình bào chế để điều trị “căn bệnh” này. Tương tự, trong một chiến dịch quảng cáo khác do GlaxoSmithKline phát động, tập đoàn dược phẩm hùng mạnh này đã biến một biểu hiện chưa rõ nguyên nhân là tê chân khi ở lâu trong một tư thế nhất định thành căn bệnh “hội chứng tê cứng chân”.
Gần đây nhất, Công ty Dược phẩm Lilly Phamaceuticals cũng đã mở chiến dịch quảng cáo rầm rộ cho căn bệnh thần kinh “xúc động lưỡng cực” và cho rằng, đây là căn bệnh thuộc loại nghiêm trọng nhất, có khả năng làm tê liệt các hoạt động trí tuệ của con người...
Kết quả của chiến dịch này là mọi người đã đổ xô đi mua thuốc Olanzapina (Zyprexa) do chính Lilly bào chế để chữa trị cho mình. Song theo giáo sư y học David Healy, Trưởng khoa Y học tâm lý xã hội thuộc Đại học Bangor, xứ Wales, thì chính chiến dịch quảng cáo cho căn bệnh này mới là sự “điên rồ” có hạng, đã biến những người khỏe mạnh về trí tuệ thành những người nghi ngờ về chính trí tuệ của mình.
Theo giáo sư Graham Archard, Phó hiệu trưởng Học viện Y khoa Hoàng gia Anh, ngày càng có nhiều người khỏe mạnh bị các công ty dược phẩm “phù phép” biến thành bệnh nhân.
Thông qua những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, người ta đã khuếch đại những biểu hiện thông thường của cơ thể thành những căn bệnh nhiều người mắc dựa trên việc khai thác những lo ngại sâu xa nhất về tâm lý của con người trước bệnh tật và cái chết. Tình trạng này đang gia tăng đến mức báo động. Nó không chỉ xảy ra tại các nước đang phát triển và nước nghèo mà còn tại nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Pháp... Mục đích cuối cùng của việc sáng tác ra đủ các loại bệnh là gửi thông điệp tới mọi người: có những loại thuốc có thể điều trị được chúng.
Ông cũng khẳng định những món lợi lớn thu được qua các chiến dịch quảng cáo do các công ty dược phẩm phát động về sự hiện diện những căn bệnh - có thực hoặc không có thực là một thực tế để dọn đường cho việc tung ra thị trường những loại thuốc mới.
“Nếu như trước đây, người ta nghĩ ra các loại thuốc để chữa bệnh thì ngày nay người ta lại nghĩ ra bệnh để bán thuốc. Hầu hết các công ty dược phẩm dù lớn hay nhỏ đều muốn bào chế những loại thuốc mới để thu lãi bạc tỉ và để trở thành 'đại gia' trong làng công nghiệp dược thế giới chứ không phải là để cứu chữa được nhiều người bệnh hơn. Đó là một sự thật đáng buồn của ngành dược phẩm. Việc 'sáng tác' ra bệnh để bán được nhiều thuốc hiện nay của một số công ty dược phẩm đã vượt quá ngưỡng của y đức, không chỉ là hành động gây lãng phí tiền của mà con gây hại cho người tiêu dùng” - ông Marek Dadbrowski, thành viên của tổ chức “Những bác sĩ không biên giới” khẳng định.
Các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng, các chiêu trò quảng cáo bệnh để bán thuốc, quảng cáo thuốc nhập nhằng về tác dụng hoặc quảng cáo quá tác dụng thật của thuốc do các công ty dược phẩm phát động đang ngày một phổ biến và có nguy cơ trở thành thứ “bệnh lây nhiễm”, gây nguy hại không chỉ đối với người bệnh mà còn đối với tất cả mọi người. Khiến cho cả những người khỏe mạnh nhất cũng có thể nghĩ rằng mình đang mắc bệnh và cần phải dùng thuốc.
Chính vì thế, hơn ai hết người bệnh cần phải là người tiêu dùng thông thái, trước khi đến hiệu thuốc hãy tỉnh táo cân nhắc xem mình có thực sự cần phải uống viên thuốc đó không!