Thận dương hư

KHÁI NIỆM

Thận dương hư còn gọi là Mệnh môn hỏa suy, tên gọi chung cho những biểu hiện lâm sàng nguyên dương bất túc, mất chức năng khí hóa không còn tác dụng sưởi ấm làm cho thủy thấp thịnh ở trong và cơ năng suy nhược.

Nguyên nhân

  1. Tuổi cao thận yếu, dương suy

  2. Phòng dục bừa bãi

  3. Bệnh lâu ngày liên lụy đến thận

CHỨNG TRẠNG

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là triệu chứng của khí hư, dương hư và thận hư

Thận dương hư 1

    -  Thận tàng tinh. Mệnh môn hoả suy, dương sự không động được thì dương nuy (liệt dương). Dương khí không đủ thì tinh dịch hàn lạnh, đường tinh không kín chặt được thì di tinh, hoạt tinh; mạch xung nhâm lệ thuộc vào can thận, thận dương không đủ thì xung nhâm không giữ kín được mà thấy kinh nguyệt quá nhiều, dầm dề không hết, băng huyết, rong kinh. Hoặc là khí huyết ngày càng trở tắc, bể huyết khô dần, cho nên kinh nguyệt chậm kỳ, nặng thì đóng lại, không hành kinh nữa. Hạ tiêu dương kém yếu, âm dương rối loạn, cho nên tử cung lạnh không chửa được, nếu có chửa cũng sẽ sinh lậu thai, hoạt thai tiểu sản.

    -  Mệnh môn hoả suy không sinh được thổ, tỳ vị không kiện vận, cơm nước không hoá, cho nên ăn ít, đại tiện lỏng, nặng thì ngũ canh tả, đại tiện không rốn được.

    -  Thận chủ thủy, nạp khí. Thận dương thiếu, thủy dịch không có gì để ôn hoá chế nước, chuyển xuống dưới cho nên tiểu tiện trong dài, đêm đi tiểu nhiều lần, tiểu tiện không rốn được, tiểu nhỏ giọt không gọn bãi; thủy dịch tràn ra ngoài thì khắp mình phù thũng, đọng ở bụng thì bụng chướng đầy, không muốn ăn uống. Thủy ẩm nghịch lên quấy rối tâm, hại vào phế thì tâm quý, khí đoản, ho xuyễn. Dương suy làm cho bàng quang không có khí hoá thì thủy dịch đọng lại mà sinh chứng bí đái, hoặc ít nước tiểu.

    -  Thận là gốc của tiên thiên, bên trong ngụ có Mệnh môn chân hỏa tức là chân dương, nguyên dương, là gốc của dương khí trong toàn thân, cho nên phần dương ở năm tạng con người đều phải nhờ vào nguyên dương trong thận mới sinh phát được, thận dương không đủ không có gì sưởi ấm cho da thịt cho nên sợ lạnh, chân tay lạnh.

    -  Eo lưng là phủ của thận, thận lại chủ về xương, thận dương hư thì không có gì để ôn dưỡng được cho eo lưng và xương, cho nên eo lưng, đầu gối lạnh mỏi đau.

CHỨNG HẬU

Chứng Thận dương hư thường gặp trong các bệnh Hư lao, Dương nuy, Long bế, Thủy thủng, Tiết tả, Đái hạ, Háo suyễn…

Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Thận khí hư, Thận âm dương đều hư, Tỳ Thận dương hư, Tâm Thận dương hư.

Thận dương hư 2

Tóm lại, chứng hậu tuy giống nhau nhưng trong những tật bệnh khác nhau, chứng trạng biểu hiện có đặc sắc riêng, lâm sàng căn cứ vào những đặc điểm bệnh chứng ấy mà phân tích ra rõ.

Thận là gốc của tiên thiên, bên trong ngụ có Mệnh môn chân hỏa tức là chân dương, cho nên phần dương ở năm tạng con người đều phải nhờ vào nguyên dương trong thận mới sinh phát được, tật bệnh phát triển đến giai đoạn Thận dương hư suy thường nói lên bệnh tình rất sâu nặng. Trong quá trình diễn biến bệnh cơ thường thấy nổi lên hai tình huống:

    -  Một là do nguyên dương trong Thận suy vi, dương khí không vận hành, mất chức năng khí hóa, sự mở đóng không lợi đến nổi thủy thấp, đàm trọc, ứ huyết là những âm tà ứ đọng, xuất hiện các chứng trạng trọc âm nghịch lên như sắc mặt tối sạm, tinh thần chậm chạp, thậm chí thần thức lơ mơ, chóng váng, lợm lòng nôn mửa, tiểu tiện ít hoặc không tiểu tiện được, toàn thân phù thủng, chất lưỡi tối sạm.

    -  Hai là do Thận dương hư suy, lại do cảm nhiễm ngoại tà trực trúng hoặc dùng phép hãn hạ thái quá hoặc ốm lâu nguyên dương kiệt dần, dương vi âm thịnh, dần dần đi đến chia lìa, xuất hiện chứng trạng dương khí muốn thoát như mồ hôi ra đầm đìa, mồ hôi trong loãng, sợ lạnh, nằm co, chan tay không ấm, thần thức lơ mơ, mạch muốn tuyệt. Bệnh tật đến lúc này nên cứu vãn phần dương sắp mất, cứu được một phần dương khí may ra còn có cơ hội sống sót một phần.

ĐIỀU TRỊ:

1. CHÂM CỨU
Pháp điều trị: Ôn bổ thận dương
Nguyên tắc: Hư tắc bổ, hư bổ mẫu, Nguyên lạc, Du mộ…

  1. Ôn bổ Thận dương: Mệnh môn, Thận du, Quan nguyên, Khí hải

  2. Hư tắc bổ: Âm cốc (Thủy huyệt kinh Thận), Thái khê (Nguyên huyệt)

  3. Hư bổ mẫu: Phục lưu (Kim huyệt), hoặc trên kinh Phế bổ Phế kinh dùng huyệt Nguyên của kinh phế vừa là bổ huyệt của kinh (Thái uyên)

  4. Nguyên lạc: Bổ Thái khê (Nguyên kinh Thận), tả Phi dương (lạc của kinh Bàng quang)

  5. Du mộ: Thận du (Bq.23 Du huyệt), Kinh môn (Đ.25 mộ huyệt)

1.2.THUỐC

BÁT VỊ ĐỊA HOÀN HOÀN (THẬN KHÍ HOÀN)
(Kim quĩ yếu lược)

  1. Thục địa 16 – 32g

  2. Sơn thù 8 – 16g

  3. Sơn dược 8 – 16g

  4. Đơn bì 8 – 12g

  5. Phục linh 8 – 12g

  6. Trạch tả 8 – 12g

  7. Phụ tử chế 4g

  8. Nhục quế 2 – 4g

Tác dụng: Ôn bổ thận dương.

Đây là bài thuốc chính chữa chứng thận dương hư. Trong bài: Phụ tử, Quế chi ôn bổ thận dương là chủ dược.

Thêm bài “Lục vị” tư bổ thận âm

    -  Thục địa Bổ huyết, tư âm bổ thận.

    -  Sơn thù Bổ Can Thận, sáp tinh khí, cố hư thoát (Trung Dược Đại Từ Điển).

    -  Sơn dược Bổ Tỳ, dưỡng Vị, sinh tân, ích Phế, bổ Thận, sáp tinh.

    -  Đơn bì Thanh nhiệt lương huyết, hoạt huyết hóa ứ, thanh can hỏa giảm bớt tính ôn của Sơn thù.

    -  Trạch tả thanh tả thận hỏa giảm bớt tính nê trệ của Thục địa.

    -  Phục linh Bổ tỳ thông thận giao tâm, kiện tỳ trừ thấp giúp Hoài sơn kiện tỳ.

Ứng dụng lâm sàng:

    -  Bài này chủ yếu chữa các chứng bệnh mạn tính, viêm thận mạn, suy nhược thần kinh, bệnh béo phì, liệt dương, tiểu đêm, người già suy nhược có hội chứng thận dương hư.
    -  Bài thuốc này gia thêm Ngưu tất, Xa tiền tử gọi là ” TẾ SINH THẬN KHÍ HOÀN” ( Tế sinh phương) có tác dụng lợi niệu, tiêu phù, dùng chữa chứng thận dương hư, cơ thể nặng nề phù thủng, tiểu tiện ít.
    -  Bài thuốc không dùng đối với những trường hợp có hội chứng thận âm bất túc như đau lưng, mỏi gối, người nóng ra mồ hôi trộm, mạch tế sác.
    -  Bài Hữu quy hoàn gồm: Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Câu kỷ, Đỗ trọng, Thỏ ty tử, Phụ tử, Nhục quế, Đương quy, Ban long. Chữa mệnh môn hoả suy: người lạnh, mệt mỏi, liệt dương…

Đối tác: Ngân hàng Agribank
Đối tác: Ngân hàng BIDV
Đối tác: Ngân hàng Vietinbank
Đối tác: Công ty thiết kế web ADC
Đối tác: Sông Đà Việt Đức