Cây actiso

Tên nước ngoài:

Artichoke, Globe artichoke (Anh), Artichaut (Pháp).

Tên khoa học:

Cynara scolymus L.,1753, họ Cúc – Asteraceae.

Dạng sống và sinh thái:

Cây thảo cao 1 – 1,2m. Lá to, dài, mọc so le, chia thùy lông chim hai ba lần. Cụm hoa hình đầu ở ngọn các nhánh, màu lam tím. Quả bế nhẵn với các tơ trắng dài hơn quả và dính nhau ở gốc. Hạt không co nội nhũ.

Cây có nguồn gốc từ Địa Trung Hải được người Pháp đưa vào từ thế kỷ XIX, hiện nay cây được trồng nhiều nhất ở Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng).

Bộ phận dùng:

Lá thu hái vào năm thứ nhất của thời kỳ sinh trưởng, có tài liệu cho biết nên thu hái vào thời kỳ chưa ra hoa.

Dược điển Việt Nam III quy định dùng lá đã phơi khô hoặc sấy khô.

Rễ và thân cũng được dùng làm thuốc.

Thành phần hóa học:

Lá Actisô chứa: acid hữu có gồm cynarin, acid hydroxymethylacrilic, acid malic, acid lactic, acid fumaric, acid succinic…; hợp chất flavonoid gồm cynarosid, scolymosid và các thành phần khác như Cynaropicrin, các enzym (oxidase, peroxidase, oxigenase, catalase) và nhiều chất vô cơ khác.

Hoa chứa taraxasterol và faradiol.

Công dụng và cách dùng:

Cụm hoa được dùng trong chế độ ăn kiêng của bệnh nhân đái tháo đường vì chỉ chứa một lượng nhỏ tinh bột, phần cacbonhydrat gồm phần lớn là inulin.

Lá Actisô có vị đắng, có tác dụng lợi tiểu, được dùng nhiều trong điều trị phù và thấp khớp.

Đế hoa và lá bắc ngoài việc được dùng để ăn còn được dùng làm thuốc thông tiểu tiện, thông mật, tăng sự tiết mật, kích thích tiêu hóa, chữa các bệnh suy gan, chống tăng cholesterol huyết, vữa xơ động mạch, thừa urê huyết, ngoài ra còn dùng để chữa các bệnh về thận như suy thận, viêm thận, sỏi niệu đạo, thủy thũng, sốt rét, sưng khớp xương.

Thuốc có tác dụng nhuận tràng và lọc máu nhẹ đối với trẻ em. Dạng dùng là lá tươi hoặc khô đem sắc ( 5-10%), hoặc nấu cao lỏng, liều 2-10 gam lá khô một ngày.

Thân và rễ thái mỏng, phơi khô có công dụng như lá.

Đối tác: Ngân hàng Agribank
Đối tác: Ngân hàng BIDV
Đối tác: Ngân hàng Vietinbank
Đối tác: Công ty thiết kế web ADC
Đối tác: Sông Đà Việt Đức