Những điều cần biết về cần sa

Cần sa là loại ma túy được chế từ hoa và lá khô của cây cần sa tên latin là Cannabis Sativa. Loại ma túy này còn được biết đến với những tên khác như “cỏ”, bồ đà, tài mà, vv… Cần sa nhìn giống như thảo cỏ, lá chè khô và có thể còn hạt hoặc còn các cành nhỏ

Cần sa có thể màu xám, xanh lá cây hoặc mầu nâu. Cần sa thường được lăn bằng tay thành thuốc cuốn để hút, hoặc được hút bằng ống điếu. Một số người còn trộn cần sa với thức ăn như bánh ngọt hoặc bánh qui để ăn. Cần sa cũng có thể được trộn lẫn để hút cùng thuốc lá.

Chất THC là gì?

Trong cần sa có chất THC là yếu tố làm cho người sử dụng “phê”, nghĩa là làm biến đổi tâm trạng của người sử dụng, khiến họ có cảm giác khác biệt. Một số thành phần của cây chứa hàm lượng THC cao hơn. Ví dụ, hoa và nhụy chứa nhiều THC hơn so với thân và lá.

Hoa, lá và hạt cần sa

Lệ thuộc cần sa

Người sử dụng cần sa trong một thời gian sẽ dẫn đến tình trạng lệ thuộc cần sa, nghĩa là cần sa luôn xuất hiện trong suy nghĩ, tình cảm của họ. Người lệ thuộc sẽ luôn tìm cần sa để sử dụng. Cách nhận biết liệu một người có lệ thuộc vào cần sa hay không dựa vào việc xuất hiện hội chứng cai, nghĩa là các dấu hiệu xuất hiện khi giảm liều một cách đột ngột, hoặc ngừng sử dụng. Biểu hiện của hội chứng cai cần sa giống như triệu chứng bị cảm cúm, bao gồm:

    +  Đau đầu

    +  Nôn

    +  Cáu giận

    +  Trầm cảm

Chất THC từ cần sa có ảnh hưởng như thế nào?

Khi hút cần sa, THC nhanh chóng qua phổi vào máu. Sau đó nó sẽ theo đường máu đi lên não và gây cảm giác “phê”. Cảm giác này diễn ra sau vài phút và có thể kéo dài đến 5 giờ đồng hồ. Khi cần sa được trộn vào thức ăn, chất THC được hấp thu chậm hơn vào máu, qua dạ dày và ruột. Do đó, có thể mất đến một giờ để đạt được cảm giác “phê” và cảm giác này có thể kéo dài đến 12 giờ. Chất THC được hấp thu rất nhanh vào mô mỡ trong cơ thể, sau đó mới từ từ giải phóng vào máu. Có thể mất đến 1 tháng để đào thải hết một liều THC ra khỏi cơ thể.

Tác động của cần sa

    +  Tác động của cần sa đối với người sử dụng phụ thuộc vào:

    +  Liều dùng bao nhiêu

    +  Độ mạnh và tinh chất THC trong cần sa

    +  Cách sử dụng (hút, hút tẩu, ăn)

    +  Chiều cao, cân nặng của người sử dụng

    +  Tâm trạng khi sử dụng

    +  Trải nghiệm sử dụng cần sa

    +  Chỉ sử dụng riêng cần sa, hay sử dụng đồng thời với các loại ma túy khác

    +  Sử dụng một mình hay với người khác, tại nhà hay tại nơi tiệc tùng

Tác động tức thì

-  Khi dùng liều nhỏ

Với liều dùng nhỏ, ảnh hưởng của cần sa có thể kéo dài trong vòng 5 giờ đồng hồ và người sử dụng có thể:

    +  Cảm thấy khỏe khoắn và sảng khoái một cách lạ thường

    +  Có những hành động khác thường

    +  Giữ thăng bằng và kiểm soát cơ thể kém

    +  Cười nói nhiều hơn

    +  Khó tập trung

    +  Cảm giác đói

    +  Nhịp tim nhanh hơn

    +  Mắt ngầu đỏ

    +  Chỉ tập trung vào một việc nhất định và thờ ơ với mọi việc khác. Những ảnh hưởng này thường làm cho người sử dụng cảm thấy mọi thứ đều chậm chạp và có cảm giác buồn ngủ.

-  Khi dùng liều lớn

Liều dùng lớn sẽ làm cho người sử dụng:

    +  Lẫn lộn

    +  Bồn chồn

    +  Phấn chấn

    +  Nghe hoặc nhìn thấy những sự việc không có thực (ảo giác)

    +  Lo lắng, sợ hãi

    +  Cảm thấy xa rời hoặc tách biệt khỏi thực tại

Cần sa còn có thể gây nên các vấn đề:

    +  Khó nhớ các sự việc

    +  Suy nghĩ không mạch lạc

    +  Khó phối hợp động tác, giữ thăng bằng

    +  Ảnh hưởng tới khả năng lái xe, hay vận hành máy móc.

Những biểu hiện này thường biến mất khi tác dụng của cần sa không còn.

Hậu quả lâu dài

Nếu sử dụng cần sa thường xuyên và trong một thời gian dài, người sử dụng sẽ gặp phải những vấn đề sức khỏe sau:

    +  Tăng nguy cơ mắc viêm phế quản, ung thư phổi và các bệnh lí khác về đường hô hấp

    +  Giảm động cơ làm việc

    +  Giảm khả năng tập trung, trí nhớ và khả năng học hỏi những điều mới

    +  Giảm ham muốn tình dục

    +  Giảm lượng tinh trùng ở nam giới

    +  Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới

    +  Một số người còn gặp phải các ảnh hưởng về tâm lí, đặc biệt ở những người đã có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có trường hợp nào được báo cáo là tử vong do sử dụng cần sa.

Sử dụng cần sa với các loại chất gây nghiện khác

Sử dụng pha trộn giữa cần sa, rượu và các loại ma túy khác là một việc nguy hiểm vì nó sẽ làm cho tác động của cần sa mạnh hơn. Chưa có bằng chứng cho thấy sử dụng cần sa dẫn đến việc sử dụng các loại ma túy khác.

Cần sa và phụ nữ mang thai

Không nên sử dụng bất cứ loại ma túy nào trong quá trình mang thai. Chất THC trong cần sa truyền từ mẹ sang con qua nhau thai. Đã có bằng chứng cho thấy nếu phụ nữ hút cần sa sẽ sinh con nhẹ cân. Một vài nghiên cứu khác cũng cho kết quả trẻ sinh ra từ mẹ có hút cần sa có vấn đề khó ngủ.

Sử dụng cần sa và luật pháp

Ở Việt Nam, cũng như nhiều loại ma túy khác, việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng và tổ chức cho người khác sử dụng cần sa là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu bị phát hiện, người vi phạm có thể bị bắt giữ và xử lí theo pháp luật hiện hành.

Sử dụng cần sa và điều khiển phương tiện giao thông

Sử dụng cần sa sẽ làm cho người sử dụng khó điều khiển an toàn các phương tiện giao thông như xe máy, ô tô, đặc biệt khi cần sa được sử dụng kèm với rượu. Có thể xác định một người có sử dụng cần sa hay không bằng xét nghiệm máu hoặc nước tiểu. Kiểm tra nồng độ trong hơi thở không thể xác định được người đó có sử dụng cần sa hay không.

Đối tác: Ngân hàng Agribank
Đối tác: Ngân hàng BIDV
Đối tác: Ngân hàng Vietinbank
Đối tác: Công ty thiết kế web ADC
Đối tác: Sông Đà Việt Đức