Bài thuốc dân gian, đáng tin đến đâu?

Đầu tháng 8 này, có hai thông tin trái ngược đáng chú ý: trong khi phương pháp chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian của một lương y ở phía Bắc gây chết người thì ở Bình Phước lại có hội thảo chính thức công nhận phương pháp chữa bệnh cũng theo bài thuốc dân gian để phục hồi chức năng một số bệnh câm điếc, thoái hoá cột sống, bại liệt.

Trước đó, những ca tai biến do chữa bệnh theo các phương pháp lưu truyền trong dân gian đã làm dấy lên nhiều quan điểm đối nghịch. Một số người cho rằng không nên tin dùng các bài thuốc, kinh nghiệm dân gian vì phần lớn chưa được giải thích trên cơ sở y học hiện đại. Một số khác lại đề cao quá mức, thậm chí sưu tầm, quảng bá nhiều bài thuốc dân gian mặc dù kiến thức của họ rất hạn chế. Vậy nên hiểu vấn đề này thế nào cho đúng?

Nguồn gốc các bài thuốc dân gian

Các bài thuốc kinh nghiệm dân gian là một bộ phận không thể thiếu của nền y dược học cổ truyền.

Từ xa xưa, con người đã biết dùng cây cỏ quanh mình để làm thuốc. Cùng với bề dày của lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc, kho tàng các cây thuốc, vị thuốc và các bài thuốc kinh nghiệm ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Những kinh nghiệm dùng thuốc được lưu truyền trong nhân dân, cha truyền con nối từ đời này sang đời khác hình thành nên nền y học dân gian. Và rồi trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn của nền y học này, con người tìm cách tổng kết, quy nạp và xây dựng nên một hệ thống lý luận vững chắc, hình thành một nền y học cổ truyền có tính bác học. Tuy vậy, nền y học dân gian với những vị thuốc, bài thuốc kinh nghiệm phong phú vẫn có sức sống mãnh liệt. Khắp nơi trong dân gian, bên cạnh những thầy thuốc y học cổ truyền nổi tiếng có lý luận, đội ngũ các ông lang, bà mế vẫn rất đông đảo, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia liên tục bổ sung kinh nghiệm và phát hiện những cây thuốc, bài thuốc mới.

Dùng bừa bãi thì thuốc nào cũng gây tai biến

Các bài thuốc kinh nghiệm dân gian mà cha ông chúng ta để lại đã được thực tế chứng minh trên người thực, bệnh thực từ bao đời nay. Bởi vậy, chúng ta có thể vừa áp dụng những bài thuốc này trên thực tế lâm sàng vừa tiến hành nghiên cứu chứng minh, giải thích bằng cơ sở của y học hiện đại, chứ không đợi nghiên cứu xong rồi mới sử dụng. Vả lại, trên thực tế việc nghiên cứu này không hề đơn giản và nhanh chóng như nhiều người lầm tưởng vì đối tượng nghiên cứu là những cây thuốc, con thuốc còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá. Hơn nữa, điều kiện nghiên cứu cũng còn nhiều hạn chế ngay cả đối với những nước có nền khoa học tiên tiến. Tuy nhiên, trong khi sử dụng các bài thuốc kinh nghiệm dân gian, cần lưu ý chúng thường chỉ được truyền miệng từ người này sang người khác hoặc có thể được ghi chép trong sách báo nhưng qua mỗi người, mỗi sách lại thay đổi một ít, có khi bị che giấu, xuyên tạc để giữ độc quyền, có khi bị nhầm lẫn, sai sót do trình độ hiểu biết, do dịch thuật… nên vấn đề quan trọng là phải biết phân biệt đâu là những bài thuốc kinh nghiệm dân gian thực sự, đâu là những bài thuốc đã bị xuyên tạc và nhầm lẫn, thậm chí bị thần bí hoá.

Tuy đa số các bài thuốc dân gian đều ít có tác dụng phụ nhưng không phải không có những bài dùng độc chất như thuỷ ngân, chì, thạch tín…; sử dụng động vật hay côn trùng như rắn rết, thạch sùng, gián đất, bọ hung, mật động vật…; thậm chí có cả chất thải như nước tiểu, phân người... nên không thể tuỳ tiện sử dụng. Ngoài ra, một bài thuốc có thể có một hay nhiều vị, mỗi vị lại có nhiều tên gọi khác nhau, cách chế biến khác nhau, cân đong theo đơn vị cổ kim không giống nhau, nhiều vị cùng tên gọi dân gian địa phương nhưng thực chất lại là hai loại khác nhau, cho nên phải hết sức thận trọng khi sử dụng.

THẬN TRỌNG VỚI CÁC BÀI THUỐC TRUNG QUỐC

Gần đây có nhiều sách báo trong nước giới thiệu các bài thuốc dân gian của Trung Quốc. Mặc dù có khá nhiều điểm tương đồng nhưng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, con người… giữa Việt Nam và Trung Quốc khác nhau ở mức độ nhất định. Bởi vậy, việc sử dụng các bài thuốc này cần có sự xem xét, đối chiếu và lựa chọn hết sức thận trọng.

Mặc dù các bài thuốc kinh nghiệm dân gian nhìn chung dễ kiếm, dễ dùng, an toàn và có hiệu quả ở các mức độ khác nhau, nhưng đã là thuốc thì không thể không đề phòng những tai biến khó lường. Bởi thế việc tham khảo ý kiến của các thầy thuốc y học cổ truyền chính danh luôn là điều không thể thiếu.     Nhiều bài thuốc được chỉ định dùng cho các chứng bệnh có tính danh mơ hồ như phúc thống (đau bụng), ho, hậu sản, đầu thống (đau đầu)… chưa có sự phù hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Có một số sách giới thiệu bài thuốc theo bệnh, có bệnh gọi tên theo tây y, có bệnh gọi tên theo đông y nên rất dễ nhầm lẫn. Vì thế trong khi sử dụng phải hết sức cảnh giác, tránh dùng bừa bãi dễ gây tai biến do nhầm bệnh, nhầm chứng. Một số bài thuốc có khả năng chữa được những bệnh cấp tính, bệnh nặng nhưng không nên chủ quan, dùng bậy hoặc lạm dụng, có thể làm chậm trễ thời gian cứu chữa.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn
(Theo SGTT)

Đối tác: Ngân hàng Agribank
Đối tác: Ngân hàng BIDV
Đối tác: Ngân hàng Vietinbank
Đối tác: Công ty thiết kế web ADC
Đối tác: Sông Đà Việt Đức