Y học Dân gian nước Việt - Kỳ 11

Về yêu cầu đưa thuốc vào đúng ổ bệnh

        Việc đưa thuốc vào đúng ổ bệnh là đặc điểm riêng có của y học dân  gian. Người ta cho rằng cách sao tẩm thuốc như phương pháp của Trung y đang làm là cách để đưa thuốc quy kinh. Nhưng chúng tôi cho rằng sao tẩm thuốc chỉ tác động được vào tính năng hoạt hoa của thuốc; còn việc đưa thuốc vào đúng ổ bệnh phức tạp hơn nhiều. Nếu dùng thuốc bằng con đường uống thì thuốc phải tham gia vào toàn bộ quá trình chuyển hoá. Bản thân thuốc buộc phải qua khâu tiêu hoá để biến thành thức ăn đồng hoá. Khi đã là thức ăn đồng hoá rồi thuốc phải tham gia vào chu trình Krepxơ, thuốc vừa bị đồng hoá vừa bị thoái hoá thì chức phận của thuốc làm sao được bảo toàn?

        Người Việt cổ chưa biết lý luận về chuyển hóa các chất trong cơ thể người. Có lẽ, cái buổi ban sơ đó cho đến khi đúc rút được kinh nghiệm dẫn thuốc vào ổ bệnh, chắc chắn người Việt cổ đã phải trả giá rất đắt về mạng sống của nhiều thế hệ người bệnh. Qua cách chế tạo thuốc bằng phương pháp cổ truyền tôi nhận ra người Việt cổ đưa thuốc vào cơ thể bằng “dẫn xuất enzym nhân tạo”, nói cho đúng hơn thuốc của người Việt cổ bao gồm hai thành phần của chuyển hoá là cơ chất và tiền chất của enzym biến đổi cơ chất đó. Bệnh tật là do chu trình chuyển hoá bị rối nhiễu, trì trệ. Chu trình chuyển hoá bị rối nhiễu, trì trệ là do hiệu năng hoạt hoá cơ chất của hệ thống enzym bạc nhược. Tất cả các bài thuốc chữa bệnh nan y của y học dân gian tôi sưu tầm được đều có tính chất này.

        Ví dụ: bài thuốc sử dụng để chữa lành các vết thương ở thành ngoài tế bào là cung cấp những tiền chất để tế bào sinh tổng hợp Collagen. Nghiên cứu  khoa học cơ bản của  Hoá - Sinh - Y học chỉ ra rằng: Quá trình sinh tổng hợp các týp Collagen là do sự “thúc ép của tế bào, hai đầu của các chất  trong procollagen tách ra và những dây nhỏ xoắn ba được bắc cầu nối với nhau khi xếp thành hàng, tạo ra một sự chênh lệch, là một phần tư chiều dài giữa các phân tử nối tiếp nhau. Việc bắc cầu này là kết quả hoạt động của Lysyloxydase, một enzymcủa đồng (tôi viết nghiêng để gây chú ý)” (G.S. Phạm Khuê và T.S. Phạm Thắng: Cơ thể con người lúc về già, tr.171). Như vậy là yếu  tố mang tính quyết định việc sinh tổng hợp các týp Collagen ở trong tế bào là enzym đồng Lysyloxydase. Trong bài thuốc cổ truyền dùng để tăng sinh Collagen có vị thuốc rất độc đáo là “rỉ đồng được sản xuất bằng mẻ”. Mẻ là một món ăn cổ truyền của dân Bắc Việt, được chế tạo bằng cách để cơm nguội cho vi khuẩn làm “thiu” đi, tạo ra một dạng huyền phù sinh học dùng để nấu canh chua, nấu thịt chó rất ngon miệng.

        Phân tích sinh hoá trong huyền phù mẻ có tới 17 axit amin và có tất cả các chủng loại của vitamin nhóm B. Cách chế tạo rỉ đồng bằng mẻ tiến hành như sau: dùng nồi đồng hoặc vật dụng làm bằng đồng nguyên chất, đánh sạch các vết bẩn bám trên mặt đồng, sau đó lấy nước mẻ quét lên một lớp mỏng, để vào bóng tối nơi có độ ẩm cao, sau 24 tiếng đồng hồ xuất hiện một lớp chất màu xanh da trời, đó là vị thuốc rỉ đồng chế tạo bằng mẻ, đây chính là tiền chất của enzym đồng Lysyloxydase. Tiền chất có bản chất enzym này sẽ đưa thuốc vào đến tận Riboxom, cung cấp vật liệu cùng chất xúc tác để cơ quan này sinh tổng hợp Collagen.

        Thuốc của y học dân gian không thể sản xuất hàng loạt theo công nghệ được chương trình hoá, vì cùng một loại bệnh nhưng mỗi người lại có “kháng nguyên phù hợp mô - HLA” rất khác nhau; không có loại thuốc đặc hiệu nào dùng chung cho tất cả mọi người. Đặc thù chữa bệnh của y học dân gian luôn là cách chữa rất bình dân: các vị thuốc của nó thì “thượng vàng hạ cám" đều dùng hết. Có vị thuốc chỉ là vật thể rất tầm thường mà thường ngày vẫn bị coi là đồ bỏ đi, rác thải. Ví dụ: vị thuốc chế tác từ vỏ quả Dứa có tác dụng chữa bệnh Máu nhiễm mỡ. Trong cái vỏ dứa vứt đi đó tổ tiên ta đã biết dùng vào việc chữa bệnh. Thời trai trẻ tôi chỉ biết làm theo kinh nghiệm lấy vỏ dứa sao vàng rồi nghiền nhỏ trộn với một số vị thuốc khác, mang ủ kín ba ngày ba đêm, khi mở ra thấy có mốc trắng mà thơm mùi rượu là vị thuốc đã được chế tẩm tốt. Dưới ánh sáng của khoa học hiện đại cái hồn của vỏ dứa chính là chất Bromelin. Bromelin là một men thuỷ phân Protit chịu nhiệt, dịch triết Bromelin ở pH 3,5 sau khi đun sôi 60 phút vẫn còn hoạt tính. Ở pH 3,3 Bromelin có tác dụng như Pepsin, ở pH 6 như Trysin. Trường hợp vô toan Bromelin vẫn còn tác dụng. Bromelin có tác dụng ức chế quá trình viêm làm giảm phù nề và tụ huyết.

Còn tiếp ...

Đối tác: Ngân hàng Agribank
Đối tác: Ngân hàng BIDV
Đối tác: Ngân hàng Vietinbank
Đối tác: Công ty thiết kế web ADC
Đối tác: Sông Đà Việt Đức