Cái vòng tròn Thái Cực chứa Âm và Dương đó cứ đứng sừng sững tồn tại bất chấp thời gian, bởi lẽ nó luôn được các học giả nhiều đời liên tiếp nuôi dưỡng bằng cách quan sát được một cái gì đó thấy có ở Trời, ở Đất, ở lòng người cũng các biến chuyển về thế thái nhân tình… đều nhồi nhét vào cái vòng Thái cực để luận bàn, tàng chữ và khai thác phục vụ cho lợi ích của họ cho dân tộc họ và định hướng cho cả thời đại của họ nữa. Ngoài hai nguyên tắc cơ bản trên mối quan hệ Âm Dương còn được liên tiếp bổ xung các nguyên lí sau đây:
1. Nguyên lí, Thành rồi Hủy:
Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm nghĩa là hiện tượng nào cũng chứa trong nó mầm mống tự hủy nó. Cho nên trong lúc đang thịnh đã xuất hiện mầm suy; trong thịnh trị đã có mầm sự loạn; trong sự sống đã ló mầm cái chết. Chính vì lẽ đó nên không thể có Dương mà không có Âm hoặc ngược lại; không thể có sống mà không có chết. Một sự vật nào cũng luôn có hai mặt phải và trái; xã hội nào cũng có thiện và ác…
2. Nguyên lí, Âm Dương tương giao tương thành:
Âm Dương tuy trái ngược nhau nhưng không tương khắc như nước với lửa mà là tương giao (gặp nhau), tương thôi (xô đẩy nhau), tương thế (thay thế nhau): “Mặt trời qua thì mặt trăng lại, mặt trăng qua thì mặt trời lại; mặt trời mặt trăng cảm ứng nhau mà ánh sáng phát ra; mùa lạnh qua thì mùa nóng lại, mùa nóng qua thì mùa lạnh lại, lạnh nóng cảm ứng nhau, xô đẩy nhau mà thành ra năm tháng. Cái đã qua co rút lại, cái sắp tới duỗi dài ra, co rút (khuất), duỗi dài (thân)hai cái đó cảm ứng nhau mà lợi ích mới nảy ra “(Nhật vãng tắc nguyệt lai, Nguyệt vãng tắc nhật lai, nhật nguyệt tương thôi nhi minh sinh yên, hàn vãng tắc thử lai, thử vãng tắc hàn lai, hàn thử tương thôi nhi thế thành yên; vãng giả khất dã, lai giả thân dã; khuất thân tương cảm nhi lợi sinh yên).
Lí sự như thế để muốn nói rằng: Âm Dương chỉ tương giao tương thôi chứ không tương phản. Âm Dương lần lượt thay thế nhau theo nhịp điệu nào đó dài ngắn tùy theo hiện tượng và tùy thời nữa. Chữ Thời trong triết học Tầu lắm chuyện nhiêu khê, hấp dẫn không thua gì ma túy.
Âm dương không chỉ tương giao, tương thôi mà còn tương thành nữa vì chúng bổ túc cho nhau, ban ngày thì hoạt động, ban đêm để tĩnh dưỡng. Âm Dương phải tương thành còn vì một lẽ quan trọng nữa: Nếu Âm Dương tiêu diệt lẫn nhau thì không còn Dương cũng chẳng còn Âm, rột cuộc không còn gì cả, vạn vật bị tiêu diệt hết thì vũ trụ cũng chẳng còn.
3. Nguyên lí Âm Dương tương cầu, tương ứng:
Âm Dương có tương cầu thì mới gặp nhau, giao nhau thì mới sinh ra vạn vật. Khi Âm Dương tương ứng thì Dương xướng Âm họa mới hợp tác được với nhau. Càn (Trời thuộc Dương) cương kiện. Khôn (Đất thuộc Âm) nhu thuận. Càn tạo ra vạn vật mới ở dạng khí, vô hình. Khôn hứng lấy nuôi dưỡng vạn vật mới hữu hình. Công linh của Khôn và Càn là như nhau.
4. Nguyên lí Âm Dương đều động … rồi biến hóa:
Âm Dương không động thì không thể giao nhau.”Đạo Càn, lúc tĩnh thì chuyên nhất, lúc động tiến thẳng, cho nên sức sinh ra của nó rất lớn. Đạo khôn lúc tĩnh thì thu lại, lúc động thì mở ra, cho nên sức sinh của nó rộng“ (Phù Can, Kỳ tĩnh dã chuyên, kì động dã trực, thị dĩ đại sinh yên. Phù Khôn Kỳ tĩnh dã hấp, kỳ động dã tịch, thị dĩ quảng sinh yên).
Âm Dương giao nhau để làm gì? Để biến tức là để sinh sinh hóa hóa. Mọi sự biến hóa đều từ Trời Đất mà ra. Không còn Càn Khôn (Âm Dương) thì không có sự biến hóa. Âm Dương không gặp nhau, tác động vào nhau, thì “cô Dương” không thể sinh, “độc Âm“ không thể thành.
5. Nguyên lí Trật tự trong biến hóa, trước hết phải tuân theo Luật Tôn Ty
Luật đó là “Thiên tôn Địa ty” (Trời cao Đất thấp, Trời tôn mà Đất tiện) hợp lẽ tự nhiên. Lẽ tự nhiên thứ Hai là chừng mực: (Thiên Địa tiết nhi tứ thời thành). Trời Đất có chừng mực mới thành bốn mùa. Lẽ tự nhiên thứ Ba là hằng cửu, nghĩa là theo một luật nào đó thì phải theo hoài, không được đổi thay. Lẽ tự nhiên thứ Tư: sự biến hóa phải theo trình tự từ tiệm biến mới đến được đột biến, khi đó gọi là Hóa!
6. Nguyên lý Mãn chiêu tổn, Khiêm thụ ích (Đầy thì sẽ vơi, thiếu thì sẽ được thêm):
Người Trung Hoa cổ cho rằng Vũ Trụ diễn biến theo quy luật bất di bất dịch, vĩnh cửu; thuật ngữ triết học của họ gọi là “Thường”. Lão Tử nói “Tri thường viết minh, bất tri thường, vọng tác hung” có nghĩa là biết rõ quy luật Thường là sáng suốt; không biết quy luật Thường mà làm bừa thì gặp điều không lành. Với quan niệm “động tĩnh hữu thường” cho rằng: Thiên hạ rất động nhưng vì có quy luật Thường nên không thể loạn mãi đựoc. Quy luật Thường đó chính là quy luật chuyển hóa của Âm với Dương, chúng thay nhau, cái này tiến thì cái kia lùi. Việc Đời không cát thì hung, không hung thì cát. Dương cực thịnh thì suy dần để Âm thịnh lên và ngược lại. Khắp vũ trụ không nơi đâu không thời nào là không theo luật đó: “mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích” (Đầy thì sẽ vơi, thiếu thì sẽ được thêm). Hoặc như: “Họa hề phúc chi sở ý, phúc hề họa chi sở phục” (Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ ẩn nấp của họa).
7. Nguyên lý phản phục, tuần hoàn:
Triết học Trung Hoa rất tin vào quy luật tuần hoàn, cho rằng dù có biến động thế nào chung quy vẫn chỉ ở trong một vòng tròn. Từ trước Khổng Tử đến Khổng Tử và sau Khổng Tử cho đến hôm nay vẫn rất tâm đắc với cái gọi là Luật phản phục – quay về cái ban đầu. Cái ban đầu đó là Âm và Dương. Âm Dương luôn động, động sinh biến, biến tới cùng thì quay trở lại để cho thông, có thông thì mới vĩnh cửu, tồn tại mãi (Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu). Xã hội Trung Hoa chìm đắm trong trì trệ là do tư tưởng này chi phối chăng? Tinh thần bảo thủ, hiếu cổ đó đã khiến Đạo Nho mơ ước quay trở về thời Nghiêu, Thuấn. Lão Tử còn muốn quay lại xa hơn đó là thời nguyên thủy. Người Trung Hoa luôn cho rằng thời hoàng kim đáng tự hào nhất là ở quá khứ xa xôi: Nghiêu, Thuấn, ai đó hành sử thật đúng cái ngày xưa hư ảo đó mới đích thực là Vương Đạo, chí ít thì cũng được tôn vinh là người Quân tử.
8. Nguyên lý Định mệnh
Cho rằng đã có sự an bài, một định mệnh, dù sự việc có biến chuyển ra sao, xấu hay tốt đều đã định rồi. Nhân định không bằng Thiên định. Nhân định không thể thắng Thiên định, bậc thức giả biết trước được ý Trời thì chỉ có thể né tránh làm cho xu cát tị hung” bớt xấu đi mà thôi!
Đến đây có thể nói đã kiểm kê gần đủ các quan điểm triết học Trung Hoa về Vũ Trụ quan. Những nội dung này là nền tảng để người Trung Hoa xây dựng lý luận Trung y. Song phần nội dung tư tưởng triết học về Nhân sinh quan cũng trực tiếp góp phần vào việc hình thành lý luận Trung y, cần được điểm qua.
Nhân sinh quan trong triết học Trung Hoa được gọi là Đạo làm người. Để giữ vần điệu cho cách diễn đạt của lối hành văn biền ngẫu, người Trung Hoa thường nói “Đạo Trời, Việc Người“. Vậy Việc người gồm có những nội dung gì?
Học giả Nguyễn Hiến Lê khi viết tác phẩm “Kinh dịch – Đạo của người Quân Tử “có giới thiệu nhận định của các học giả phương Tây về triết học Trung Hoa. Người Tây cho rằng: Triết học Trung Quốc có đặc điểm cho vũ trụ vạn vật cùng một thể. Tư tưởng đó là tư tưởng căn bản của dân tộc Trung Hoa mà triết gia nào: Nho, Lão, hay Mặc cũng chấp nhận. Người Tây đã tạo danh từ Uni versisme (vũ trụ giáo) để gọi tên triết học Trung Hoa.
Yếu tố “Giáo” mà người Tây phát hiện thấy trong tư tưởng triết học Trung Hoa theo tôi đó chính là phép biện chứng duy tâm khách quan thể hiện rõ nét nhất trong vũ trụ quan của người Trung hoa. Nhưng khi người Trung hoa mang cái logic biện chứng duy tâm khách quan đó để giảng Đạo Người thì ngay lập tức tạo cho “Nhân sinh quan” của người Trung Hoa hình thành nên phép biện chứng mới, đó là biện chứng duy tâm chủ quan. Dưới đây là tóm lược của Nguyễn Hiến Lê về nhân sinh quan của người Trung Hoa: “Đại biểu vũ trụ là trời đất; đại biểu vạn vật là người. Trời, đất, người cùng một thể, cho nên người được sắp ngang hàng với trời đất thành một bộ “tam tài” (ba ngôi). Trời (đất) với người quan hệ mật thiết với nhau (thiên nhân tương dữ), phép tắc của trời đất làm mô phạm cho hành vi của người, thiên đạo tức là nhân đạo; hơn nữa trời với người còn tưng ứng tương cảm với nhau, cho nên người Trung Hoa thời xưa rất coi trọng phép bói, mà quan “Chúc” coi về thiên sự (cầu nguyện trời ban phước lành cho dân, xem tượng trời, làm lịch để ứng vào nhân sự, coi việc bốc phệ để đoán việc cát hung) luôn làm cố vấn cho các vua chúa, chức ngang với quan “Sử” coi về nhân sự” (Nguyễn Hiến Lê - sách đã dẫn tr. 136).
Sau khi phát minh ra Bát Quái (bói quẻ), xuất phát từ Bát quái khoảng hơn 1.500 năm vào đời Bắc Tống xuất hiện thêm “Thông Thư”, “Thái cực đồ thuyết” của Chu Đôn Di như đã nói ở trên. Từ “Thông Thư” và “Thái cực đồ thuyết” của Chu tử đã tạo nên rất nhiều học thuyết ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống conn người đời Đường nở rộ nhiều học thuyết bói toán, tướng số, phong thủy, thiên văn. Đáng chú ý nhất là học thuyết Bát Tự, còn có tên gọi khác là “Can Chi thông luận” (Thiên Can, Địa chi). Thoạt đầu chỉ là cách tính thời gian phương hướng, sau được ứng dụng để bói số mệnh, bấm độn, phong thủy, xem tướng. Bói toán, hiện thân của chủ nghĩa duy tâm trở thành quốc hồn quốc túy của dân tộc Trung Hoa trong suốt chiều dài lịch sử tư tưởng hơn 4000 năm. Tất cả những gì diễn ra trong đời sống xã hội thường ngày đều được xử lý bằng bói toán, cúng lễ. Tuy nhiên, sự sống của con người luôn hiện thực: đói thì phải ăn, ốm đau thì phải chữa trị. Dù có tin vào thánh thần đến mê muội, nhưng cúng mãi không khỏi thì phải uống thuốc thôi. Bởi vì, Con Người dù ở bất kỳ thời đại nào, kể cả khi vẫn còn ở tình trạng “ăn lông ở lỗ” cũng không bao giờ cam phận ngồi chờ chết. Tiếng gọi của sự sống đã được mã hóa ở từng gen người, ta vẫn quen gọi là bản năng sống. Người Trung Hoa cổ không phải là ngoại lệ với quy luật sống này.
Theo các tài liệu hiện có do chính người Trung Hoa công bố thì dân tộc này đã biết chữa bệnh rất tài giỏi từ rất sớm cách nay khoảng 4600 năm. Bằng chứng đưa ra là Thần Nông để lại tác phẩm “Bản Thảo”; Hoàng Đế để lại tác phẩm “Nội kinh”. Ông Nguyễn Hiến Lê sau khi tầm soát sử Tầu rất kỹ đưa ra kết luận rằng: "1. Thời Tam Hoàng: Phục Hy, Thần Nông, Ngũ Đế không đáng tin. 2. Đời vua Nghiêu, vua Thuấn cũng còn đáng ngờ…” những cái tên đó đều là nhân vật huyền thoại. Hơn nữa các tài liệu khảo cổ học mới nhất của Trung Quốc được tìm thấy thì đến thời nhà Thương cách nay 3200 năm người Trung Hoa mới có chữ viết thì tác phẩm “Bản Thảo” của Thần Nông và tác phẩm “Nội Kinh“ của Hoàng Đế xuất hiện trước khi có chữ viết 1.400 năm được ghi lại bằng ký hiệu gì?
Tác phẩm "Thần nông Bản Thảo" và "Hoàng Đế Nội Kinh" là có thật nhưng đó chỉ là kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian của nhiều đời, người sau chép lại và để cho thiên hạ phải kính nể dân tộc Trung Hoa có trí khôn rất sớm, nên vu cho các nhân vật huyền thoại là tác giả mà thôi. Trung y rất hãnh diện với nhân vật Biển Thước, coi ông là Y gia trước công nguyên năm thế kỷ đã biết thực hành thiết mạch, vọng sắc, nghe tiếng nói, tả hình là đã có thể nói về sở tại của bệnh. Từ Điển Bách Khoa tiếng Việt nói về Biển Thước như sau: “Bian Shi, tên thật là Tần Việt Nhân (Qin Yueren), người quận Bột Hải thời Chiến quốc, nay là tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Có nhiều kinh nghiệm chữa bệnh, phản đối kiểu chữa bệnh của thày mo, giỏi chữa các bệnh phụ khoa, nhi khoa, bệnh tai, mũi mắt. Tác phẩm có “Ngoại kinh” đã bị thất truyền, còn lại “Nội kinh” đề tác giả Tần Việt Nhân. Có người cho rằng Biển Thước là tên gọi chung các ông lang giỏi thời xưa. Tác giả cuốn “Nạn kinh” giải thích 81 vấn đề khó của “Nội kinh”. “ Nạn kinh” đựoc công nhận là một trong 4 bộ sách kinh điển của đông y (“Nội kinh“, “Nạn kinh”, “Thương hàn luận”, “Kim quý yếu lược“). Tôi nghi ngờ những tác phẩm nói là của Biển Thước chính là những gì mà các nhà luyện đan trường sinh cho Tần Thuỷ Hoàng khi đi về phương Nam đã đàm đạo với người Việt cổ rồi biên tập mà thành. Đây cũng là một biểu hiện giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc “núi liền núi, sông liền sông”. Có lẽ để ghi lại tình bằng hữu giữa các nhà y học hai nước mà Biển Thước có thêm một tên nữa là “Tần Việt Nhân” chăng?
Chỉ cần điểm qua mấy sự thật lịch sử đó có thể nói rằng: Các sách thuốc cổ của Tầu là ghi lại những kinh nghiệm thực tế hàng ngàn năm của dân gian chữa bệnh bằng các cây thuốc, con thuốc ngẫu nhiên tìm ra, chứ không phải nhờ có triết học “Thái Cực sinh Lưỡng nghi; Lưỡng nghi sinh Tứ tượng; Tứ tượng sinh Bát quái…”, sau có thêm “Âm dương ngũ hành” mà tìm ra các phương pháp chữa bệnh đó. Nhiều năm sau, khi văn hóa Trung Hoa phát triển, nhất là sau khi có chữ viết, các học giả hành nghề thầy thuốc mới vận dụng triết học để giải thích các kinh nghiệm thực tế đó. Tán hươu, tán vượn, tán miết rồi hóa thành lý luận mà thôi. Bản thân những người lập ngôn cho lý luận Trung y cũng không hiểu được rằng khái niệm Nhân trong triết học Trung Hoa cổ được dùng với ý nghĩa xã hội học vì nó tập trung chủ yếu để giáo hóa luân lý, “lẽ đời”, tức là các mối quan hệ xã hội. Tác giả chính của khái niệm “Nhân” trong triết học Trung Hoa không ai khác được ngoài Đức Khổng Tử.
Tư tưởng của Khổng Tử vô cùng phong phú, hàm xúc, nhưng nếu phải tóm tắt tư tưởng Khổng Tử thì có thể nói gọn đó là học thuyết về luân lý làm người và được diễn đạt tài tình chỉ qua một chữ “Nhân“. Người đời cho rằng tư tưởng của Khổng là Nhân và Lễ, theo tôi khái niệm Lễ của Khổng cũng chỉ là tổng thể ứng xử của “Nhân” thôi. Khái niệm Nhân của Khổng có nội hàm rất hẹp là Người, nhưng có ngoại diện rất rộng: Nhân Bản, Nhân Văn, Nhân nghĩa, Nhân tình, Nhân tính, Nhân tâm, Nhân sinh, Nhân loại, Nhân thiện, Nhân ác… Sau này do ảnh hưởng của triết lý Phật giáo, Nho giáo sau Khổng Tử cũng nói đến “Nhân quả” nữa.
Nho giáo do Khổng Tử làm chủ soái không dùng thuật ngữ Âm Dương để diễn đạt khái niệm Nhân của ông mà khởi nguồn từ ông cho đến các đệ tử ở các thời đại kế tiếp dùng thuật ngữ triết học Chất và Văn. Sự vận động của Chất và Văn trong Nho giáo cũng na ná như sự vận động của Âm và Dương của triết lý dân gian. Nho giáo cho rằng: Chất là cái tạo ra bản thân vật. Văn là cái cơ bản nhất biểu hiện bản thân vật. Từ nhận định khái quát đó Nho giáo cho rằng Con người (Nhân) cũng có cái Chất và cái Văn của mình. Cái Chất của con người là Đạo làm người trong Ngũ luân (Năm Đạo Thường: 1. vua – tôi, 2. cha – con, 3. chồng - vợ, 4. anh – em, 5. bạn – bè). Cái Văn của con người là phong cách làm người trong cuộc sống cộng đồng ở ba lĩnh vực: gia đình, làng nước, thiên hạ. Trong ba loại cộng đồng này, ai đó bảo đảm được cái Chất và cái Văn của mình tương ứng thật tốt với nhau, người đó được tôn vinh là “Quân Tử“. Ai đó không thể hiện được đúng chuẩn mực như Nho giáo đặt ra, người đó bị miệt thị là “Tiểu Nhân”.
Như vậy, con người xã hội lý tưởng của Nho giáo là Quân Tử. Con người này đã thực hiện xuất sắc những chuẩn mực do Nho giáo đặt ra. Những chuẩn mực đó là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Những con người, những triều đại thực hiện đúng và đủ các chuẩn mực đó được Không Tử ca ngợi hết lời: Ông Nghiêu, Ông Thuấn, Chu công… được ông nhận xét đó là biểu hiện “cái văn rực rỡ thay!”. Từ nhận xét này, Nho gia đời sau tán rộng ra lập thành định ngữ “văn minh, “văn trị”. Và khi mà khái niệm “Văn” được gắn với sự giáo hóa, thì khái niệm “văn hóa” đã hình thành. Nho giáo trường tồn chính là nhờ có những chuẩn mực xã hội rất nhân bản này. Nhưng tiếc thay cho dân tộc Trung Hoa, những chuẩn mực xã hội tuyệt vời đó đã bị các thế lực cầm quyền ở tất cả các thời đại lợi dụng làm cho biến dạng thành công cụ tước đoạt quyền con người. Các chuẩn mực xã hội của Nho giáo đã cung cấp cơ sở lý luận cho các thế lực cầm quyền định ra cái gọi là “Cơ chế” duy trì xã hội Trung Hoa cổ ổn định trong hơn 2000 năm, nhưng đó là sự ổn định trong trì trệ.
Khái niệm Nhân trong triết học Trung Hoa là khái niệm mang sắc thái xã hội học. Không thể mang nguyên gốc khái niệm Nhân thuộc phạm trù xã hội học vào Y học được. Con người được nói tới trong Y học trước hết phải là con người sinh học, cho dù con người đó có đang mắc chứng bệnh do quan hệ xã hội gây nên (Stress chẳng hạn) thì liệu pháp chữa trị cũng vẫn là liệu pháp kệt hợp của tâm lý học; sinh y học. Không thể viết các chữ: “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín“ vào lá bùa rồi đốt thành than hòa nước cúng thần để uống mà chữa khỏi Stress được.
Sai lầm căn bản nhất và nghiêm trọng nhất trong lý luận Trung y cổ truyền là căn cứ vào tư tưởng triết học “Thiên nhân tương dữ; Thiên đạo là nhân Đạo; Trời, Đất, Người cùng một thể, cho người được sắp ngang hàng với Trời, Đất thành một bộ Tam Tài (Ba ngôi), từ đó khái quát chủ quan coi con người và hoàn cảnh là một khối thống nhất rồi phiêu lãng tới mức đưa ra nhận định: “Nhân thân tiểu thiên địa”, coi con người là một vũ trụ thu nhỏ (Tiểu vũ trụ).
Khi ta nói vũ trụ là đã có ta ở trong đó. Chỉ có một vũ trụ thôi. Nếu mỗi người là một tiểu vũ trụ thì ngay trên hành tinh nhỏ bé này có tới gần 6 tỷ tiểu vũ trụ sao? Có thể có ý kiến biện hộ rằng nói tiểu vũ trụ là nói có tính khái quát. Y học rất cần sự khái quát, nhưng là khái quát thực tiễn, khái quát những cái đã xảy ra và nhưng cái đã có đủ tiền đề vật chất để tất yếu sẽ xảy ra, chứ không hề có khái quát cái hư ảo trong y học. Y học không phải đất dụng võ cho chủ nghĩa duy tâm.
Con người và hoàn cảnh không phải là một khối thống nhất như quan niệm của triết học Trung Hoa. Con người là sản phẩm của hoàn cảnh, nhận định đó hoàn toàn đúng đắn cả về phương diện sinh học và xã hội học. Nếu coi vũ trụ là hoàn cảnh thì con người chỉ là sản phẩm của vũ trụ. Ngay như trái đất mà chúng ta đang sinh sống đây cũng chỉ là một sản phẩm của vũ trụ. Quan niệm vũ trụ chỉ có Âm và Dương cùng các nguyên lý chuyển hóa của nó trong tư tưởng triết học Trung Hoa ở vào thời điểm lịch sử con người mới thoát cảnh ăn lông ở lỗ thì rất tiến bộ và rất đáng kính trọng. Nhưng khi mà trí tuệ của Nhân Loại đã thắng được sức hút của Trái Đất, con người đã bay lên trời còn điệu nghệ hơn cả thần tiên thì cái khái niệm về vũ trụ ngây thơ như thế lại làm nền móng cho lý luận y học thì nguy hiểm cho sự sống của con người. Có lẽ vì lý do này mà có ý kiến của chính người Trung Hoa thời hiện đại đòi giải thể Trung y chăng? Đây là một biểu hiện rất khách quan khoa học của nền Trung y hiện đại. Chính nhờ tư duy cấp tiến này nên Trung y hiện đại kế thừa được kinh nghiệm cổ truyền có chọn lọc đã làm cho nền Y học hiện đại của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đang là một nền y học lớn của thế giới đương đại.
Còn tiếp ...