Y học Dân gian nước Việt - Kỳ 2

        Trải bao đời tích luỹ kiến thức y học dân gian đã có hẳn một cương lĩnh hành nghề sâu sắc và uyên bác. Vì đất nước trải hơn ngàn năm Bắc thuộc, với chính sách diệt chủng đồng hoá tàn bạo, phong kiến Tầu đã tiêu huỷ rất nhiều tài sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt. Cái gì chúng hiểu thì chúng cướp mất, cái gì không hiểu thì chúng tiêu hủy. Với chính sách làm cho tiệt chủng văn hoá Việt, Vua quan Tầu ở tất cả mọi thời đại đều bảo nhau khi vào nước Việt thì dù chỉ thấy một nửa chữ Việt cũng phải tiêu hủy. Dấu vết văn hóa Việt cổ đã bị bọn Tầu xóa sạch. Nhưng, ngạn ngữ Việt đã nói “cái kim bọc dẻ lâu ngày cũng lòi ra”. Thói huyênh hoang kheo mẽ do căn bệnh “chiến thắng tinh thần” truyền thống đã khiến nó “dấu đầu lại hở đuôi”.

        Chính sử của Tầu ghi lại: Nhà Tây Chu (1.135 – 770), triều đại Chu Công, Nước Việt Thường sai sứ sang cống chim Bạch trĩ, Chu Công cho chế xe Chỉ Nam đưa sứ Việt Thường về nước. Chỉ qua một dấu vết này thôi cũng đủ căn cứ để nói rằng nước Việt Thường thủa ấy đã là nước văn hiến. Bởi lẽ, nhà Tây Chu khi đó đâu đã gây được sức ép với nước Việt Thường, khiến Việt Thường phải cống nạp. Nước Việt Thường cử sứ đi Tây Chu là hành vi mở rộng ngoại giao, chỉ có dân tộc nào đạt trình độ văn hóa cao mới biết hành sử như vậy. Tình tiết, do sứ Việt cống chim Bạch trĩ khiến Chu Công xúc động cho đóng riêng cỗ xe Chỉ Nam đưa sứ Việt về nước, cũng ẩn chứa nhiều thông tin lý thú.

        Theo luận lý thông thường dễ nhận ra ngay sử Tầu ghi sứ Việt  cống chim Bạch trĩ là bịa đặt. Nước Việt Thường khi đó theo Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, thì Việt Thường chỉ là một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Bộ Việt Thường ở địa phận Quảng Bình – Quảng Trị bây giờ. Con chim Bạch Trĩ là giống sinh sống ở vùng rừng nhiệt đới, liệu nó có sống nổi không khi theo sứ Việt vượt vạn dậm trường đi từ Quảng trị đến Thiểm Tây có khí hậu vùng ôn đới giá lạnh; phương tiện giao thông khi đó chủ yếu là đi ngứa, nhanh lắm cũng phải hàng tháng mới đến kinh Đô Tây Chu.  Hơn nữa chỉ có con chim Bạch Trĩ mà Chu Công xúc động tới mức tiếp sứ Việt thịnh tình, lại còn cho đóng riêng cỗ xe đưa sứ Việt  về nước? Đây là một sự lạ đối với người Hán vốn coi những dân tộc ngoài dân tộc Hán đều là mọi rợ. Vậy thì cống vật  phải là cái gì đó rất có giá trị rất lớn lao? Cống vật đó chính là “Thuật bói quẻ”, sau này Chu Công cải biên lồng thuyết âm dương vào làm nên kiệt tác Chu Dịch; trước đó Văn Vương (bố của Chu Công) mới chỉ biết dùng cỏ thi để bói với mai rùa. Bói Quẻ do Sứ Việt phổ biến kỳ lạ ở chỗ chỉ dùng hai vạch ngang: vạch liền tượng trưng cho Trời; vạch đứt ở giữa ttượng trưng cho Đất, rồi theo thuật bói quy định chồng các vạch lên nhau là có thể luận giải được tất cả Vũ Trụ và lòng người, (nói kỹ ở phần sau). Việc Chu Công đóng xe Chỉ Nam đưa sứ Việt về là lén cử người đi theo về đất Việt  để ăn cắp bí quyết  bói quẻ mà thôi.

        Ông Leibniz, nhà triết học  và toán học, người Đức (1646 – 1716), năm 1679 cho công bố phát minh ra phép nhị phân số học thay cho phép thập phân. Nội dung phép nhị phân là cứ thêm một số 0 là nhân với 2 chứ không phải nhân với 10 như phép thập phân. Nguyên tắc nhị phân của Leibniz đang được ứng dụng vào máy tính điện tử hiện nay: chỉ có hai số 1 và 0 thôi. Khoảng năm 1700 một nhà truyền giáo Dòng Tên ở Trung Hoa báo cho Leibniz biết thuật toán do ông ta phát minh đã có ở Trung hoa và gửi cho ông ta 64 quẻ kinh Dịch. Leibniz vô cùng kinh ngạc khi thấy Kinh Dịch chỉ dùng hai vạch âm dương mà vạch được rất nhiều quẻ y hệt ông đã dùng số 1 và số 0 mà viết được mọi số. Như vậy là phép tnh có cơ số nhị phân đã được phát minh ra ở Á Châu trước phát minh của nhà bác học Đức tới 2.000 năm. Năm 1973, Nhà xuất bản Khai trí (Sài Gòn cũ) in tác phẩm: “Kinh dịch nguyên thủy “ của tác giả Lê Chí Thiệp. Tác giả  đã liên hệ đến khí hậu, đất đai, đời sống của dân tộc Việt Thường để chứng minh: “Tiên thiên Bát quái (Chu Dịch) do người Việt Thường sáng tác và phổ biến cho Tầu. Khói lửa chiến tranh đã làm ngưng trệ cuộc thảo luận sử học lý thú này. Tôi tin luận điểm của ông Lê Chí Thiệp, nhưng lịch sử là phải có chứng cớ cụ thể, cần được các nhà Sử học dù có bị thiến vẫn nói đúng sự thật như Tư Mã Thiên thì mới làm sáng tỏ tồn nghi văn hóa sử này.

        Một tồn nghi  lịch sử văn hóa Việt nữa thuộc lĩnh vực Y học cũng rất hấp dẫn: đó là Học thuyết Kinh Lạc cũng của người Việt bị Tầu cướp mất và công bố là của ho. Học thuyết Kinh Lạc như mọi người thấy hiện nay đang được giới thiệu như là lý luận của thuật châm cứu. Người Tầu nói học thuyết Kinh Lạc là của họ. Bằng chứng đưa ra là sách “Linh Khu” nói về châm cứu của họ có từ thế kỷ thứ 5 - 3 trước Công nguyên. Mấy năm gần đây, tài liệu giảng dạy Đông y của Nhà nước ta đã mạnh mẽ nói thuật châm cứu là của Việt Nam có từ thời An Dương Vương, nhưng chứng cớ đưa ra lại là Dã sử “Lĩnh nam chích quái “ nói: Thời Thục An Dương Vưong có Thôi Vỹ dùng thuật cứu để chữa bệnh. Nếu so đọ về chứng cớ nguồn gốc từ thời cổ thì người Tầu có sách “Linh Khu”, còn chứng cớ của ta chỉ có mấy dòng trong Dã Sử, Ta “thua”.

        Nếu cho rằng những chứng cớ thời cổ đại chỉ là đời sau bịa đặt và lấy chứng cớ có thật từ thời Trung cổ và thời cận đại thì chứng của nước Việt thuyết phục hơn. Bởi vì năm 1401, dưới thời Nhà Hồ, Nguyễn Đại Năng viết tác phẩm “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca”. (Nguyễn Đại Năng là người giỏi khoa châm cứu, Nhà Hồ lập Quảng Tế Hựu là cơ quan trông coi việc y tế, ông được giao phụ trách Cơ quan này. Tác phẩm “Châm cứu tiệp hiệp diến ca" ghi lại 130 lọai bệnh chính, được chỉ định 140 huyệt để chữa, trong đó có 11 huyệt do chính ông mới phát hiện ra, trước đó  chưa có ai biết. Nguồn: V.N.K: Từ Điển Văn Hóa, Nxb Văn Học, năm 1993, tr.325). Tác phẩm “Bảo Anh lương phương” của lưỡng quốc trạng nguyên Nguyên Trực, hướng dẫn bấm huyệt chữa bệnh cho trẻ con. (Nguyễn Trực (1417 – 1473), là một trí thức lớn của triều Lê. Ông đỗ trạng nguyên năm 1442, được cử đi sứ Trung Quốc, gặp kỳ thi, xin vào dự và đỗ trạng nguyên của Tầu luôn. Sách đã dẫn, tr.410). Sau hai tác phẩm có trí tuệ cao cấp về Kinh Lạc cùng kỹ thuật châm cứu của người Việt, 200 năm sau (1601) Dương Kế Châu (người Tầu, đời Minh) mới cho ra đời tác phẩm: “Châm cứu Đại Thành”. Thế rồi bẵng đi 350 năm sau, vào thập niên 50 của thế kỷ 20 người Trung Hoa mới công bố kỹ thuật “đầu châm”, châm cứu ở đầu. Năm 1958, Trung Quốc công bố tiếp kỹ thuật “châm tê” để mổ.

        Còn ở nước Việt ta câu chuyện châm cứu lại diễn ra liên tục: Thế kỷ thứ 17 xuất hiện tác phẩm “Châm cứu thủ đồ huyệt” của Lý Công Tuân; thế kỷ thứ 18, Lê Hữu Trác tổng hợp các phương pháp chữa bệnh cho trẻ con bằng châm cứu có trong tác phẩm của ông để lại đang thấy hiện nay. Thế rồi Triều nguyễn Ánh theo Pháp để diệt Nhà Tây Sơn, giành được giang sơn rồi lại hủ lậu khiếp  sợ ánh sáng Nhân quyền của Cách mạng Tư sản Pháp vội vã quỳ gối trước  Nhà Mãn Thanh, vùi dập văn hiến Việt; tiếp đến thời Pháp thuộc, cùng với y học dân tộc, châm cứu cũng chung số phận như “Câu Ca Dao bị vất giữ ngã ba đương“ mà Chế Lan Viên đã thảng thốt kêu lên.  Sau Cách Mạng Tháng Tám 1945, tiếp ngay đến cuộc Kháng chiến chống Pháp, y học dân tộc được hồi sinh, châm cứu đã góp phần đắc lực cứu chữa cho nhiều chiến sỹ quân đội Nhân Dân. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy  giờ: quan hệ Việt – Trung “vừa là đồng chí vừa là anh em”, nên ta cũng đành lặng yên không tách bạch Trung y với Việt y. Chính vì thế mà năm 1969 xuất hiện thông tin Bác sĩ Hoàng Đình Cầu đã mổ 9 ca cắt thùy phổi với sự cộng tác của kíp châm tê do bác sĩ Trương Kim Du và Bác sĩ Bùi Quang Hiển phụ trách. Thông tin này đã góp phần làm bùng nổ các cuộc Hội thảo về châm cứu trên toàn thế giới. Thế rồi biệt tài châm cứu Nguyễn Tài Thu xuất hiện khiến Y giới toàn cầu phải tâm phục khẩu phục về thành tựu châm cứu của y học hiện đại Việt Nam. Tuy nhiên, thuật châm cứu chỉ là khoa học thực hành học thuyết Kinh Lạc mà thôi. Kinh Lạc mới là quan trọng, bởi lẽ đây là một phát minh rất lớn của trí tuệ Y học. Gia Bảo nhà tôi ghi lại: Hệ Kinh Lạc là của tổ tiên người  Việt, do chính  con cháu của 50 người con do  Mẹ Âu Cơ sinh hạ rồi  theo cha Lạc Long Quân  đi ra Biển phát minh ra.

        Để có thể làm chủ biển khơi, người Việt cổ đã nghĩ ra thuật xăm mình nhằm dọa nạt thủy quái. Xăm mình là phải dùng vật nhọn châm trích vào da rồi bôi nhựa cây có màu sắc rực rỡ vào. Quá trình hình thành thuật xăm mình đó phải kéo dài  hàng trăm năm, người Việt đã phải chết rất nhiều người vì châm trích phải chỗ phạm mới đi tới xác định được các huyệt cùng các tuyến huyệt liên hệ với nhau. Nhờ tích lũy kinh nghiệm thực tế nhiều đời, người Việt đã tìm ra ở cơ thể người có tới 14 đường nối các huyệt cùng tuyến chạy dọc cơ thể và tứ chi gọi là Kinh. Các đường kinh đó lại có mối liên hệ ngang với nhau;  những đường vắt ngang cơ thể đó gọi là Lạc. Vì sao đặt tên là Kinh và Lạc?

        Từ Kinh trong tiếng Việt hiện đại có hàng trăm nghĩa khác nhau. Trong tiếng Việt cổ, từ Kinh  dùng để chỉ hiện tượng rất đáng sợ và phải kính trọng (phát kinh, kinh  ngạc…). Từ nghĩa gốc đó, ngay trong thời cổ, từ Kinh đã được dùng để chỉ sự đúng đắn, đồng thời nó bắt đầu có ý là sự chủ trì. Trong Cộng đồng các dân tộc của xã hội Việt thời Hồng Bàng, Bộ tộc có đông người nhất được gọi là người Kinh. Vị Vua đầu tiên của nước Việt cổ là Tộc trưởng của người Kinh, nên gọi là Kinh Dương Vương, hiện còn mộ của ông ở làng An Lữ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Để tưởng nhớ vị vua đầu tiên của dân tộc Việt, 14 tuyến huyệt đạo chính mang tên Kinh. Chức quan trong Vương triều Việt đầu tiên mang tên Lạc Tướng. Trong tiếng Việt cổ từ Lạc được dùng để chỉ ruộng đất, cũng còn nghĩa quan hệ (liên lạc). Tuyến huyệt đạo dài mang danh Vua là Kinh thì đường liên lạc vắt ngang tuyến Vua ắt phải là quan, do đo các huyệt đạo có mối liên hệ ngang gọi tên là Lạc. Hệ thống Kinh Lạc trong cơ thể người  trở thành cơ sở thực tế để người Việt nhìn vào nó qua sắc diện của con người mà đoán bệnh trị bệnh ngay từ buổi bình minh của văn hóa Việt. Tuệ Tĩnh đã tổng hợp lại trong tác phẩm ”Các chứng chết, mạch chết”. Ví dụ: “mặt phù, sắc xanh đen là chết”; “Lưỡi rụt, hòn dái co là chết”; “Mặt không tươi sáng, chân răng biến sắc đen là chết”, v. v. (Xem Tuệ Tĩnh toàn tập, N.x.b Y học).

        Hệ thống Kinh Lạc có trước cuộc xâm lăng nước Việt đầu tiên của người Tầu hàng nghìn năm. Người Tầu cướp lấy rồi nhồi nhét ngôn ngữ âm dương ngũ hành của họ vào, sau đó mang sang dạy lại cho các Nho sĩ Việt hành nghề Trung y. Cho đến nay không ít các thầy thuốc Trung y ở bên Tầu và cả ở Ta nữa vẫn coi Hệ Kinh Lạc là của Tầu.

        Hệ thống Kinh Lạc được người Việt tìm thấy và phải trả giá bằng rất nhiều mạng sống của nhiều thế hệ người Việt. Đây chính là sản phẩm mà ngày nay y học hiện đại gọi là thành tựu của khoa học thực nghiệm trong cơ thể (Invivo). Hệ thống Kinh Lạc không thể tìm thấy bằng sự tưởng tượng “âm dương ngũ hành; thái âm, thái dương…“ trừu tượng Khoa học giải phẫu của Tây y tinh vi là thế nhưng vẫn chưa chụp đựoc ảnh Hệ thống Kinh Lạc. Người ta đã liên hệ với cơ chế hoạt động của hệ thống thần kinh, tuyến nội tiết, hệ Bạch mạch, gần đây nhất người Nhật có thêm cái gọi là ”Tuần kinh cảm truyền” để giải mã Kinh Lạc. Nhưng Kinh Lạc vẫn im lặng tồn tại trong ánh hào quang rực rỡ và bí ẩn. Mấy năm gần đây có  nhà khoa học Việt quốc nội đã cả quyết sẽ dùng  toán học để giải mã Hệ Kinh Lạc, chắc công việc đang tiến hành. (Người tuyên bố là Tiến sĩ H.P ông đã mất rồi!).

        Hệ thống Kinh Lạc đã được Y học dân gian nước Việt ứng dụng rất lâu đời, đặc biệt là lĩnh vực dược học. Người ta thường thấy các Lang ta chế tẩm thuốc rất cầu kỳ, cho rằng các thủ thuật đó mang tính lừa bịp, thần bí hóa thuốc chữa bệnh. Thực chất việc sao tẩm thuốc là nhằm cho thuốc “quy kinh”, tức là dùng kỹ thuật dược lý để đưa thuốc vào đúng ổ bệnh. Đây là một bí quyết độc đáo mà dược học Tây y đang nghiên cứu để ứng dụng. Phương hướng phát triển khoa học dược học hiện đại đang đi theo hướng này trong thế kỷ thứ 21. Tây y đang kỳ vọng vào “công nghệ na nô”, chế tạo ra các robốt siêu nhỏ bằng vật liệu hữu cơ để đưa thuốc vào đúng ổ bệnh không phân tán thuốc ra các tế bào lành. Trung y cũng nói rất nhiều về các vị thuốc uống khi vào bụng sẽ vào kinh nào đó trong cơ thể, nhưng vẫn chưa đủ thực chứng để thuyết phục.

        Do phải hành nghề y học dân tộc dưới ách thống trị của giặc ngoại xâm, chữ viết của người Việt cổ bị chúng tiêu hủy đến tuyệt diệt, nên người Việt phải truyền nghề cho nhau bằng truyền khẩu. Để dễ thuộc và nhớ lâu các kiến thức đó được lồng vào những chuyện ly kỳ và huyền ảo. Phải đợi đến khi  nghĩ ra mẹo dùng chữ Tầu để nói tiếng Ta, đó là chữ Nôm, tri thức y học dân tộc mới được ghi chép thành văn. (Có lẽ câu chuyện dân gian “Hồn Trương Ba, da anh hàng thịt” là nhằm thể hiện sự uất ức này của người Việt chăng ? Nếu các nhà nghệ thuật khai thác vốn cổ theo hướng này thì vở kịch “Hồn Trương Ba da anh Hàng thịt” sẽ có âm hưởng “bi hùng”, chứ không “bi hài” cười cợt dẽ dãi như đã thấy hiện nay). Nhân thể nói thêm: Gia tộc tôi không thích chữ Nôm, cụ tôi nói với bố tôi: “Nhìn vào mặt nó mà nói tiếng của mình, tao thấy nhục lắm, nhưng vẫn phải dùng thôi, méo mó có hơn không! Chữ Nôm là cái áo quá hẹp trên “cơ thể tư duy phức tạp” đồ sộ của tiếng Việt. Chính vì lẽ đó mà sau khi có chữ Nôm (khoảng từ thế kỷ thứ X) tới 700 năm sau các văn nhân thi sĩ nước Việt mới  chịu dùng chữ Nôm để sáng tác văn chương. Yêu nước, ai hơn được Phan Châu Trinh, vậy mà Người có chịu dùng chữ Nôm đâu! Một dân tộc thông tuệ như dân tộc Việt mà đến thế kỷ thứ X mới  có chữ viết là chữ Nôm sao!? Thời Hùng Vương lẫy lừng như thế, Thục Phán An Dương Vương là cháu Vua Hùng đã đánh tan đội quân xâm lược Nhà Tần do Đồ Thư làm chủ soái, khiến “Quân Tần thây phơi máu chảy hàng mấy chục vạn người” (Sách Hoài Nam Tử đời Hán  viết như vậy). Những  con người lập chiến công lớn như thế mà mù chữ sao? Vào thời bấy giờ tiếng Hán và chữ Hán đâu đã có ở nước Âu Lạc.

        Khác với các ngành khoa học khác chịu nạn “Tam sao thất bản” y học lấy thực tế chữa bệnh để kiểm chứng nên còn lại đến ngày nay kho tàng trí tuệ y Việt rất lớn. Tài sản y học thuần Việt đó đã được ghi chép từ rất sớm thâm trầm lặng lẽ trong dân gian và được giữ kín trong mỗi gia đình, rộng ra một chút là họ tộc. Hiện tượng ghi chép của Tuệ Tĩnh chỉ là chỉ báo cho biết có việc ghi chép đó. Sở dĩ lịch sử thành văn chính thống hiện nay coi Tuệ Tĩnh là ông tổ của y học Dân tộc vì sự ghi chép của Tuệ Tĩnh lần đầu tiên công khai giữa thiên hạ mà thôi. Theo như lời bố tôi dặn dò: ông nội tôi khi truyền nghề cho bố tôi có dặn rằng: các bài thuốc ghi trong các tác phẩm Hồng Nghĩa Giác Tư Y Sư; Nam dược thần diệu đã lai Tàu rồi. Ông Cụ chỉ tâm đắc một câu của Lê Hữu Trác tuyên bố: ”Đọc sách của Trọng Cảnh, nhưng không theo phương của Trọng Cảnh” mà thôi. Với lịch sử y học dân tộc thành văn, Tuệ Tĩnh được coi là ông tổ của thuốc Nam có lẽ hậu thế cần kiểm định. Nhưng có một điều chắc chắn cần nói rõ: nếu chỉ căn cứ vào các bài thuốc, vị thuốc trong các tác phẩm của Tuệ Tĩnh để nói rằng: y Việt cổ truyền chỉ có thế thôi là xúc phạm đến “Văn hiến Đại Việt ta” đó.

        Vào những năm đầu công nguyên nước Việt ta lúc đó mới có khoảng 1 triệu người, dân số nước Trung Quốc có khoảng 50 triệu người. So sánh dân số nước ta với Trung Quốc thì dân số nước ta chỉ bằng 2%. Đầu thế kỷ 21 dân số Trung Quốc là 1,3 tỷ người, dân số nước ta kể cả đồng bào đang sống ở nước ngoài là 84 triệu người. So sánh thì dân số nước ta với Trung Quốc là 6,45%.Như vậy là sau hai nghìn năm đấu tranh để sinh tồn giữa hai dân tộc sống cạnh nhau thì sức phát triển dân số nước ta trội hơn dân tộc Trung Quốc là 4,45%. Chỉ số sống sót vượt trội qua 2000 năm sâu sắc biết bao. Một dân tộc nhỏ, duy trì được nòi giống bên cạnh người hàng xóm khổng lồ mà ở tất cả các triều đại từ thượng cổ đến hiện đại luôn bắt nạt ta, xua quân đánh phá nước ta, mà dân tộc ta vẫn có chỉ số sống sót vượt trội kẻ bắt nạt mình 4,45%, điều đó không đáng được tự tôn rất khiêm nhường là dân tộc Đại Việt sao?

        Một dân tộc tồn tại và phát triển trong một môi trường vô cùng bất lợi như thế mà có chỉ số sống sót cao như thế, nếu không có một nền y học tự nó, uyên thâm và hiệu quả thì dân tộc ta có được chỉ số sống sót hào hùng như thế không? Dân tộc Việt mới chỉ được hưởng thành quả của y học bác học từ sau Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, đến nay mới có 67 năm. Gần 2000 năm trước dân tộc ta chữa bệnh bằng y học dân gian là chính. Trung y chỉ có mặt ở các nhà giàu. Một nền y học dân gian với bề dầy lịch sử lớn như thế, hiệu quả như thế lại là vô tri sao?

        Sau Tuệ Tĩnh từ Lê Hữu Trác y học dân tộc bị lấn áp trước nền y học Trung Hoa đồ sộ được các nhà nho du nhập vào. Trung y được giai cấp phong kiến thống trị chọn làm chính thống và trở thành ngành y học bác học của quốc gia. Tới triều Nguyễn, Nho học và Trung y vẫn ngự trị. Đến thời Pháp thuộc Tây y lấn áp Trung y.

        Sau Cách Mạng Tháng 8 năm 1945 Nhà nuớc Dân Chủ Nhân Dân có cái nhìn hài hoà giữa Tây y và Trung y với chỉ đạo Đông Tây y kết hợp trị bệnh. Nhưng một thời gian dài đã coi Trung y là y học Dân tộc cổ truyền.

        Tổ quốc đang có một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá không chỉ về ý nghĩa văn hoá nhân văn mà cả về kinh tế nữa chưa được khai thác. Nếu nguồn tài nguyên này được khai thác, nó có đủ năng lực tham gia vào nền kinh tế trí thức mà nhân loại đang nô nức đi vào.

Còn tiếp ...

Đối tác: Ngân hàng Agribank
Đối tác: Ngân hàng BIDV
Đối tác: Ngân hàng Vietinbank
Đối tác: Công ty thiết kế web ADC
Đối tác: Sông Đà Việt Đức