Y học Dân gian nước Việt - Kỳ 6

        Đối với Trung y cổ truyền, Y học dân tộc Việt đã tiến hành “phản biện” trong suốt quá trình chống ách thống trị của bọn xâm lược.

        Sự phản biện của Y học dân tộc Việt đối với Trung y cổ truyền tràn ra cả sau hơn nghìn năm “Bắc thuộc”. Sự tài tình của y Việt trong kháng chiến trường kì là bảo toàn được lực lượng, không bộc lộ thân phận, nhẫn nhịn trước thái độ miệt thị hạ nhục của đối thủ đang thống trị. Những tinh hoa của y Việt, như thủ pháp khám bệnh, các biện pháp cấp cứu, các vị thuốc chữa bệnh cấp diễn, các thủ pháp “chữa mẹo” tổ tiên ta giữ kín, kẻ chiếm đóng không cướp được. Ngược lại cái y lí mù mờ: “Âm - Dương - Ngũ hành; Bát cương, Bát pháp”  dùng vào luận trị bệnh của Trung bị y Việt lặng lẽ từ chối. Nhưng cái hay thực sự độc đáo của Y học Trung Hoa cổ truyền được các thế hệ Lang Việt tiếp thu rất trân trọng. Hệ thống kinh lạc huyệt đạo của y học cổ truyền Trung Hoa qua ứng dụng thực tế đã mang lại hiệu quả chữa bệnh rất cao được các thế hệ Lang ta kính cẩn tiếp thu tới mức quên đi nguồn gốc Việt của nó.

        Trong lịch sử Nhân loại chưa từng có dân tộc nào bị ngoại bang xâm lược và thống trị hơn một nghìn năm vẫn không bị đồng hóa mà còn bảo tồn được văn hóa của dân tộc mình. Chữ viết  của người Việt Cổ bị hủy diệt, người Việt áp dụng ngay thế võ truyền thống “Lấy gậy ông đập lưng ông, cướp súng của Giặc, đánh Giặc”. Hơn 60% từ vựng của tiếng Việt hiện đại được Việt hóa từ tiếng Hán. Nhưng người Hán khi đối diện với các từ Việt - Hán cũng phải qua phiên dịch mới nhận ra chút ít dấu vết  mơ hồ của tiếng Hán nguyên gốc.

        Cũng là Nhà Nho có gốc Nho học từ Khổng Tử, nhưng các nhà Nho Việt có tính cách thể hiện trí tuệ khác hẳn Nho Tầu. Nếu các vị Nho gia Trung Hoa coi việc lập ngôn là đỉnh cao của danh vọng, nên khi lập ngôn thường cao ngạo, dương dương tự đắc, diễn đạt càng huyền bí rối rắm càng được coi là uyên bác; trái lại các Nhà Nho Việt không xuất hiện ở vị thế tự đắc lập ngôn mà thường là người phát ngôn phản biện của cả cộng đồng, rất thâm thúy và hóm hỉnh, chơi chữ đạt mức kì tài. Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là một biểu hiện thiên tài Việt hóa Hán văn. Từ một hình tượng nghệ thuật tầm thường mang tên Thanh Tâm Tài Nhân trong nguyên tác văn học Hán, Nguyễn Du đã Việt hóa cốt truyện bằng một tư duy hình tượng thuần Việt, sáng tạo ra một nàng Kiều và các nhân vật sống cùng thời với nàng đạt tầm Chân – Thiện – Mỵ  ở đỉnh cao của văn hóa Nhân loại, vượt thời gian.  Ai đó muốn đọc sách cổ của Tầu, dù có giỏi tiếng Tầu mà đọc trực tiếp rất dễ chán. Nhưng kì lạ thay, đọc sách cổ của Tầu qua bản dịch của Nhà Nho Việt thì thích thú vô cùng, đọc miết mà không chán. Sự kì diệu đó là gì? Đó chính là cái “ma thuật” Việt hóa tư tưởng Tầu, tiếng Tầu của các Nhà Nho Việt mà  đỉnh cao là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Đặc biệt nhất thấy ở văn phong Hồ Chí Minh: Về hình thức thể hiện tư tưởng: giản dị như cách nói của người Việt bình dân; về nội dung tư tưởng cần chuyển tải: Giữ nguyên vỏ bọc các khái niệm; các phạm trù của Nho học nhưng đã chứa nội dung tư tưởng mới mang hơi thở của đời sống đương đại. Cái kỳ tài của Cụ Hồ là Người đã sử dụng Nho học như một phương tiện vận tải để vận chuyển các tư tưởng mới của Cụ, kể cả của Mác và của Lê Nin vào đời sống hiện thực ở một đất nước trước Cách Mạng Tháng Tám 1945, có ai biết chữ thì người đó đều có “Đạo Nho”. Rất nhiều người có học chữ Nho từ trước Cách Mạng tháng Tám, sau này đi theo Cách mạng đã hiểu rõ và đúng hơn về Khổng Tử là nhờ cách diễn đạt Nho học của Bác Hồ.

        Có tới hàng triệu dẫn chứng về cái  thâm mà hóm; hóm mà thâm thúy của các Nhà Nho Việt qua văn chương bác học, nhưng nhiều nhất, thú vị nhất là kho tàng truyện tiếu lâm (sáng tác của các Nhà Nho Việt ẩn danh) có mặt ở tất cả các Thời đại. Nhiều truyện tiếu lâm thời hiện đại đã đạt tới tầm “Kì Văn”. Xin kể một truyện tiếu lâm hiện đại ở thời “Bao cấp” để thư giãn: “Có một Nhà Thiết kế kiêm chỉ đạo thi công cỗ máy kéo nước Việt ta lên chủ nghĩa xã hội. Toàn bộ thiết kế đều rập đúng khuôn mẫu do Lê Nin sáng tạo. Nhưng cỗ máy không chạy. Buồn bực quá ông sai người đánh đồng thiếp triệu Lê Nin về hỏi. Lê Nin xuất hiện, Người nói: Cỗ máy không chạy vì các anh đã đặt 80% công suất của máy vào bộ phận còi”. Đối tượng để các Nhà Nho Việt công kích không chỉ nhằm vào những bất cập về chính sách cai trị và các ông Quan đạo đức giả cùng thời mà là tất cả các thói hư tật xấu của tất cả các hạng người trong xã hội, không chỉ ở trong nước mà vượt biên ra cả nước ngoài.

        Hành nghề Việt y phần lớn là Lang thuốc Dân gian gia truyền không có chính danh Khoa Bảng. Chúng tôi biết thân, biết phận như thế nên không có thói quen tranh luận ồn ào về học thuật vì chắng có ích lợi gì mà còn chuốc lấy tai họa nữa. Các Lang thuốc Dân gian không được cấp phép hành nghề vì không chịu qua các lớp nâng cao trình độ nghề nghiệp khoảng từ 3 đến 6 tháng tùy theo người đó có “biết điều” hay không với Cơ quan tổ chức sát hạch, bởi lẽ nội dung nâng cao là học Âm Dương ngũ hành; Bát cương, bát pháp… của Trung y, mà các thứ đó chúng tôi lại cho là vô tích sự. Hơn nữa, các Lang thuốc Dân gian thuần Việt tuổi đã cao, chẳng màng danh vọng hão huyền, lặng lẽ hành nghề hòa nhập vào đời sống xã hội bình dân, chỉ mong Nhà Cầm Quyền ở các thể chế Chính trị trước đây để cho yên thân là may mắn lắm rồi. Chính vì cách nghĩ an phận của các ông “Lang Băm” quê mùa chúng tôi như vậy nên một thời gian rất dài các vị quan chức Y tế Nhà nước nói đến Y học Dân tộc là nói đến Trung y cổ truyền. Có vị đã đạt tới đỉnh cao danh vọng nhờ ca tụng Trung y cổ truyền.

        Nhớ lại mấy năm đầu Đất nước mới bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi Mới, một số người nghĩ rằng: Cứ nói ngược lại tất cả những gì trước đây đã được khẳng định bằng xảo thuật diễn đạt giật gân “hùng biện” là sẽ thành danh. Chính vì lẽ đó đã nói rằng: Văn hóa Đại Việt chỉ là một đứa con hoang được tạo thành bởi sự hãm hiếp của văn hóa Trung Hoa đối với cô gái quê mùa Nước Việt. Cách “đi vào Lịch sử” như thế không lạ. Ngay từ cuối những năm 60 của thế kỷ 20, Xuân Diệu đã đã định danh hành vi này là: Kẻ Sỹ no mắc thói tự phụ khi bất đắc chí thường hành xử: “Nếu không để được tiếng thơm cho muôn đời thì ghé đít đánh một cái dắm thật thối vào Lịch sử”. Điều khiến tôi thấy lạ là: Làm nhục nền văn hóa của dân tộc như thế mà còn được hoan hô!

        Các Lang thuốc dân gian nước Việt chúng tôi biết Trung y cổ truyền vĩ đại thật, nhưng Trung y cổ truyền dù có muốn cũng không thể cưỡng hiếp được Việt y cổ truyền. Từ Cẩm nang Gia bảo tuy rất thô sơ và nhỏ bé so với toàn bộ trí tuệ Việt đã thể hiện trong cuộc đấu tranh bảo tồn và phát văn hóa dân tộc, tôi muốn chứng minh sự thật hiển nhiên này

        Gia bảo ghi: "Sách thuốc Tầu, phần lí sự Âm - Dương - Ngũ hành; Bát cương; Nhị cương lục biến… là phù phiếm vô tích sự, xem để biết chứ không giúp gì cho việc đoán bệnh trị bệnh cả". Phần đoán bệnh dựa vào màu da, tính tình, kinh lạc, huyệt đạo là HAY cần học lấy. Phần chữa bệnh trong sách Tầu “nói dựa” vào Âm - Dương - Ngũ hành, thực ra là đúc kết từ thực tế chữa bệnh, rất quý cần học lấy; Bát pháp để trị bệnh của Tầu có phần đúng với thực tế nhưng không đủ. Chính cái không đủ này tai hại vô cùng, vì nếu việc chữa bệnh chỉ khoanh lại có 8 biện pháp thôi thì sẽ đẩy thầy thuốc vào bế tắc vì khi đã dùng hết 8 biện pháp rồi mà bệnh không khỏi, đành chịu sao? Bát pháp ôm sao hết các chứng bệnh, vì bách nhân bách bệnh cơ mà. Cần đọc để rộng đường đoán bệnh, chữa bệnh, nhưng chỉ để tham khảo thôi, không dùng để tham chính được.

        Về các vị thuốc, Gia Bảo căn dặn: Sách Tầu ghi các vị thuốc, nói là của họ, nhưng tất cả các vị thuốc đó đều mọc ở Vùng Đất Việt Cổ. Các vị thuốc đó đều rất hay vì đều đã cho súc vật ăn, cho cả người ăn thử nữa để chữa bệnh rất lâu đời thấy công hiệu nên vững tâm mà dùng. Các vị thuốc phải sao tẩm; mục đích sao tẩm là dùng dẫn chất quy kinh tức là đưa thuốc vào tới nơi sinh bệnh, hay lame. Tầu cướp của Ta từ thời Mã Viện đấy (?). Các vị thuốc nói trong sách Tầu phần lớn dùng vào việc hồi phục thể trạng, gọi chúng là Thuốc Bắc. Còn các vị thuốc chữa bệnh nhanh, công hiệu cao đều mọc ở phương Nam, gọi nó là Thuốc Nam. Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lập công.Thuốc Nam, thuốc Bắc đều là thuốc Ta.

        Những lời ghi trong Gia Bảo dùng riêng ở trong nhà không ai biết thì yên thân. Nhưng khi công khai những nhận xét này ra mà không biết đường thưa thốt thì làm sao mà tránh khỏi bị nguyền rủa là: đồ vô học, điếc không sợ súng! Hơn nữa, Trung y cổ truyền đã thâm nhiễm vào nước ta đã hơn 2.000 năm. Nhiều người đang hành nghề Trung y lại có danh cao vọng trọng. Phê phán Trung y cổ truyền khác gì liều mạng “vuốt râu Hùm”. Bên cạnh những đấng cao sang đó lại có rất nhiều Thầy Lang tử tế đang “trị bệnh cứu người” bằng kinh nghiệm thực tế của Trung y cổ truyền có hiệu nghiệm rất cao; hành động liều lĩnh “coi thường Trung y cổ truyền khác gì trêu chửi. Biết trước là khi phê phán Trung y cổ truyền sẽ bị “Trên đánh, Dưới cũng đánh” nhưng vẫn làm, thì quả thật là liều!

        Một người bạn thân đọc qua tác phẩm này đã khuyên tôi: Vào lúc này, hễ nói đến Trung Quốc là phải hết sức thận trọng; bình luận về Trung y dù là cổ truyền thì phải khen chứ không được chê. Viết thế nay dễ làm ngươi Hoa nổi giận, rất dễ bị tai nạn. Lời cảnh báo đó không làm tôi sợ, vì tôi đang là Công Dân của một quốc gia có độc lập tự do. Bình luận về những cái không thiết thực của Trung y cổ truyền thì ngay chính người Trung Hoa đã làm để có một nền Trung y hiện đại rất được ngưỡng mộ. Việc làm của tôi chỉ thuần túy nói lên chân lý khoa học Y học không có hàm ý nói xấu Trung Quốc, làm phương hại đến tình hữu nghị Việt - Trung. Giới thiệu có một nền y học dân tộc Việt cổ truyền không có nghĩa phủ định nền y học Trung Quốc.

        Ở đời này làm gì cũng sợ bóng, sợ vía như thế thì chẳng dám làm gì cả. Từ khi quay lại với nghề Lang thuốc, tôi luôn tự răn mình rằng: Dù có bị coi là thằng Hề trong nghiên cứu Y học để cất lên tiếng nói: Có một nền y học thuần Việt đã bị bụi thời gian phủ mờ thì cũng có ích cho đời hơn cam phận là một “giá áo, túi cơm”, ngậm miệng để nhìn văn hóa dân tộc Việt bị vùi lấp.

        Tuy nhiên, cũng xin nói thật một điều: nếu không được sống gần 20 năm trong thời đổi mới, đủ thời gian để vững tin Dân tộc Việt đang thực sự muốn đổi mới; những bộ óc lớn đang Lãnh Đạo đất nước thực sự muốn đổi mới thì dù có “uống mật gấu” cũng chẳng dám nói “chẻ hoe” ra thế này đâu.

        Khi bắt tay chữa bệnh cho bạn, tôi mới thực sự quan tâm đến nhận xét của Gia Bảo về Trung y cổ truyền. Công bố lần đầu trên Báo Kinh tế nông Thôn cuối tuần, tháng 12 năm 2006, (mới đăng được phần đầu đã bị chặn lại không cho đăng tiếp) tôi vẫn tránh né không nói rõ và kỹ về Trung y cổ truyền. Lần thứ hai công bố này thấy cần nói rõ lý do tạo ra nhận xét của Gia Bảo về Trung y cổ truyền để xin thêm ý kiến của mọi người.

        Muốn hiểu kĩ hơn lời dặn dò của Tổ phụ, tôi đọc lại Trung y cổ truyền. Đọc Trung y cổ truyền, có nghĩa là phải đọc lí luận của Trung y cổ. Lí luận của Trung y cổ lại được hình thành trên nền móng của Triết học Trung Hoa cổ. Muốn hiểu lí luận Trung y cổ thì chí ít cũng phải hiểu qua triết học Trung hoa cổ, mà triết học Trung Hoa cổ bắt đầu từ đâu?

        Triết học Trung Hoa cổ là  cốt lõi của văn hóa ở nước này. Nhưng chính sử của Trung Hoa ghi lại thì những gì thuộc về triết học, văn học, lịch sử thành văn có trước Nhà Tần (Tiên Tần) đã bị chính vị Hoàng đế đầu tiên có công thống nhất nước Trung Hoa là Tần Thủy Hoàng tiêu hủy hết. Tần Thủy Hoàng cho rằng tất cả những thứ đó đều nhảm nhí, bịa đặt không đáng tin cậy. Để tiệt nọc nhảm nhí đó, Tần Thủy Hoàng chẳng những đốt sách mà còn chôn sống các học giả và Nho sinh. Tần Thủy Hoàng đi vào lịch sử với biệt danh“đốt sách chôn học trò”, mở đầu cho một truyền thống đàn áp những tư tưởng không theo chính thống ở Quốc gia này.

        Triết học Trung Hoa cổ chứa đựng rất nhiều học thuyết pha tạp hỗn loạn cả duy tâm khách quan lẫn duy tâm chủ quan được sáng tác trường kì, từ thời cổ đại lai rai cho đến đầu đời Nhà Thanh vẫn còn chú giải và hiệu đính. Duy chỉ có Học thuyết Thái Cực sinh Lưỡng nghi (Âm và Dương) là sớm ổn định, tác giả của học thuyết vĩ đại này lại là “Trí tuệ Dân Gian”. Khổng Tử, Lão Tử cũng tỳ dựa vào Âm Dương để lập ngôn dựng Đạo. Ngay như Chu Dịch nổi tiếng là uyên thâm cũng chỉ là ăn theo, nói dựa vào Thái Cực và Âm Dương mà thôi. Tuy nhiên, Chu Dịch, có xứ mạng lịch sử rất to lớn đối với văn hóa Trung Hoa. Khi mới ra đời Chu Dịch xuất hiện như một loại sách bói quẻ (Quái). Nhờ mang thân phận là sách Bói nên đã thoát chết không bị Tân Thủy Hoàng chôn sống, vì ông ta cho phép giữa lại các sách dạy nghề và bói toán. Để chạy loạn Tần Doanh Chính, các Nho gia thời Tần đã làm cái việc gọi là mượn cái thây cho hồn nhập vào để sống lại (tá thi hoàn hồn), bằng cách “đem tư tưởng của Nho, Lão gài đặt vào phần Kinh làm cho Chu Dịch thành một tác phẩm triết lí có đủ  vũ trụ quan, nhân sinh quan và có thể coi là một tổng hợp các tư tưởng phổ biến của Trung Hoa thời Tiên Tần…” (Nguyễn Hiến Lê: Kinh Dịch, đạo của người Quân tử, tr. 105). Do đó, muốn có cái nhìn tổng quát về tư tưởng Trung Hoa cổ, đọc kĩ  Kinh Dịch cũng có thể coi là đủ.

        Chính Kinh Dịch là tác gỉa trực tiếp của cái gọi là Tứ Tượng và Bát quái. Bằng cách cụ tượng hóa Âm và Dương ở hai vạch ngang gọi là “Hào”. Vạch liên  (----) gọi là Dương Hào; vạch đứt (--_--) gọi là Âm Hào và làm nên “kì thư” vô cùng đặc sắc, bí ẩn và cao siêu đến mức thuật ngữ “Quái” thông ngôn sang tiếng Ta là “Quẻ” lại được dùng tương tự một tính từ là “Quái”, như: “Quỷ quái, Ma quái, quái ác”. Kinh Dịch đã hoàn thiện lí luận Triết học Trung Hoa cổ; sau đó được Chu Đôn Di tổng kết toàn bộ tư tưởng triết học Trung Hoa từ cổ đại cho thời ông đang sống để có diện mạo như đang thấy ở ngày nay. Sau Chu Đôn Di, nhiều học giả đời sau có thêm thắt chút ít tư tưởng của họ, nhưng chỉ là “vẽ rắn thêm chân”, không có tư tưởng gì sâu sắc hơn.

        Chu Đôn Di là ai, và sự tổng kết tư tưởng triết học Trung Hoa có nội dung ra sao? Từ Điển Bách khoa Việt Nam, tr. 487 trả lời như sau: “CHU ĐÔN DI (triết; Zuhou Duny; 1017 - 73), nhà triết học Trung Quốc thời Bắc Tống, tự là Mậu Thúc. Chu Đôn Di là người kết hợp tư tưởng trong “Dịch truyện”, “Trung dung” và “Nguyên đạo” của Hàn Dũ (H. Hanyu) với một số tư tưởng của Đạo, Phật giáo. Cải biến “Vô cực đồ” của Trần Hoàn (H. Chen Tuân) thành “Thái cực đồ” - một thuyết về cấu tạo vũ trụ – đồng thời xây dựng nên một hệ thống triết học có nguồn gốc ở nhiều học phái với các khái niệm như thái cực, lí, khí, tính, mệnh v.v... trở thành phạm trù cơ bản của lí học đời Tống. Chu Đôn Di là một trong những người sáng lập ra “Thái cực đồ thuyết” nêu lên quá trình sinh thành của vũ trụ và con người” “Vô cực nhi thái cực” (vô cực mà thái cực). Thái cực động thì sinh dương. Động đến cực thì tĩnh. Tĩnh thì sinh âm. Tĩnh đến cực thì quay lại động. Một động, một tĩnh làm cơ sở cho nhau. Phân âm, phân dương, lưỡng nghi được lập nên. Dương biến âm hợp thì sinh ngũ hành là thủy, hỏa, mộc, kim, thổ. Ngũ khí tuần tự ban bố thì bốn mùa vận hành. Ngũ hành vốn là một ở âm dương; âm dương vốn là một thể thống nhất ở thái cực; thái cực vốn là vô cực, sinh ra ngũ hành, mối hành là một tính. Cái chân thực của vô cực, cái tinh túy của nhị (lưỡng nghi) và ngũ (ngũ hành) kết hợp gắn bó với nhau mà không ngừng đọng lại. Ở đó, đạo càn thì sinh nam, đạo khôn thì sinh nữ. Nhị khí giao cảm với nhau thì hóa sinh vạn vật, vạn vật thì sinh mãi biến hóa vô cùng (Thông Thư). Sự trình bày trên là tập hợp và hệ thống hóa các quan điểm về vô cực, thái cực âm dương, ngũ hành của triết học Trung Quốc trước đó, đồng thời là cơ sở để các nhà triết học Trung Quốc sau này không ngừng giải thích, tranh luận và phát huy. Tác phẩm tiêu biểu: “Thông Thư”, “Thái  cực đồ thuyết” v.v... Người đời sau biện soạn thành “Chu Tử toàn thư”.

        Như trên đã nói, Kinh Dịch đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện lí luận triết học Trung Hoa cổ có tham vọng giảng nghĩa Đạo Trời và Đạo Người. Cần nói thêm khái niệm “Đạo” của người Trung Hoa, bởi lẽ thuật ngữ này nghĩa đen là đường đi, nhưng có nghĩa bóng rất phong phú được dùng rất phổ biến để diễn đạt tư duy phức tạp khi thì trừu tượng mơ hồ, khi lại rất cụ thể mang tính cưỡng bức bắt phải tin theo. Rất khó định nghĩa cho đủ thế nào là Đạo. Ngay như người “phát minh” ra thuật ngữ “Đạo” là Lão Tử cũng không giải thích được. Lão Tử nói: “Có một vật gì đó sinh ra cả trời đất, lặng lẽ, trống không, đứng riêng biệt không đổi thay, tuần hoàn không biết mỏi, có thể làm mẹ thiên hạ, Ta không rõ tên là gì, gọi là Đạo”. Phiên sang âm Hán Việt là “Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề liêu hề, độc lập bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên hạ mẫu” (Đạo đức kinh). Có lẽ từ gợi ý này mà Lỗ Tấn có định nghĩa về Đường đi hàm xúc, bất hủ chăng? Đại ý là: thoạt đầu chỉ là một lối mòn, Con Người cứ theo đó, đi mãi thành Đường. Từ khái niệm âm dương lại thêm Đạo nữa, triết học Trung Hoa cổ biện luận: “Thánh nhân đặt ra dịch lí… dựng đạo trời gọi là âm với dương, dựng đạo đất gọi là mềm với cứng, dựng đạo người gọi là nhân với nghĩa”, (tạo thành Ba ngôi: Thiên Địa Nhân). Phiên âm là: Thánh nhân chi tác dịch dã… lập Thiên chi đạo viết âm dữ dương, lập Địa chi đạo viết nhu dữ cương, lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa.

        Người Trung hoa cổ hình thành tư tưởng Thái Cực là nguồn gốc của Vũ trụ từ rất sớm, các học giả đời sau nói rõ thêm đó là khí tiên thiên bất sinh bất diệt. Trong cái linh căn huyền ảo đó (Thái Cực) tiềm ẩn hai nguyên tố ngược nhau về tính chất, đó là Âm và Dương.

        Nguồn cảm hứng để người Trung Hoa cổ phát minh ra học thuyết  âm dương không đâu xa mà chính là Trời và Đất. Trời và Đất chính là cha mẹ của vạn vật, đó là quan niệm khá phổ biến của toàn thể loài người thời thượng cổ, vì hàng ngày người ta thấy nhờ có đất mới có cây cỏ, thú vật nên loài người mới có miếng ăn. Con người còn thấy nhờ có tròi mới có ánh sáng, có nắng có mưa, có lửa; nhờ có những thứ đó con người và vạn vật mới sinh sôi được. Nhưng lí giải cơ chế vận hành của Trời với Đất ra sao thì chỉ có người Trung Hoa cổ mới nói được. Có thể nói rằng trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, tư tưởng Trung Hoa cổ giống như một Thần Đồng. Song, Thần Đồng đã quá ngạo mạn, ngủ yên trong ánh hào quang do nó tự tạo ra đó nên đã  bị thời gian vượt qua. Phải đợi đến đầu thế kỉ 20, tiếng sét của cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 mới làm người khổng lồ Trung Hoa tỉnh mộng. Qua thực tế lịch sử cho thấy: chỉ có người Trung Hoa mới đánh thức được người Trung Hoa tỉnh mộng mà thôi.

        Tất nhiên tư tưởng triết học đặc sắc Trung Hoa đó không thể do một người nghĩ ra mà là trí tuệ của rất nhiều thế hệ các nhà thông thái ở các thời đại hiện diện ở nước này; họ cũng phải nghiền ngẫm hàng nghìn năm mới có diện mạo như ta thấy hiện nay. Thoạt đầu chỉ là âm dương rồi liên hệ đến Càn (Trời), Khôn (Đất), kết hợp khái niệm Đạo của Lão Tử. Nhờ có sự gợi ý của Đạo Lão mà chú ý đến giống đực, giống cái, đến cái được sinh ra, cái chết đi sinh sinh hóa hóa”. Trải qua hàng nghìn năm quan sát, con người nhận ra rồi gom góp suy nghĩ của nhiều đời làm nên học thuyết về Vũ Trụ đi tới một kết luận: “Thiên Địa Nhân luân, vạn vật hóa thuần”.

        “Quan niệm âm dương là một quan niệm đặc biệt Trung Hoa, không thấy trong tư tưởng của các dân tộc khác… Vì âm dương bao trùm cả không gian (như phía Bắc, phía Nam) thời gian (như ngày, đêm), thời tiết (như đông hè nắng mưa), không vật gì hữu hình hay vô hình trong vũ trụ mà không có âm dương: giống đực, giống cái, rỗng đặc, thịnh suy, thăng giáng, thu tán, thiện ác , tốt xấu, quân tử tiểu nhân… đều là âm dương cả.

        Âm dương không phải chỉ là hai cái khí, hay hai nguyên lí, không phải là những năng lực, những khía cạnh, những đặc tính… mà là tất cả những cái đó, cho nên không thể dịch từ ngữ âm dương được, và người Châu Âu đành phải phiên âm là Yin và Yang” (Nguyễn Hiến Lê - sách đã dẫn tr.114 - 115).

        Học thuyết Âm Dương không chỉ làm say đắm những bộ óc vĩ đại của người Trung Hoa mà còn nhanh chóng lan truyền ra khắp vùng Châu Á cùng thời mà nó còn sức quyến rũ những nhà thông thái Châu Âu ở thời hiện đại. Cái thần thái, cái ma lực lôi cuốn trí tuệ nhân loại của học thuyết Âm Dương chính là phép biện chứng chứa đựng trong học thuyết này. Chính nhờ có phép biện chứng của Âm với Dương đó mà tư tưởng của Khổng Tử chủ yếu bàn về luân lí của xã hội Loài Người để đưa ra luận điểm phải quản lý xã hội bằng “Nhân Trị“, được dẫn truyền qua nhiều thế hệ và trở thành nguồn cảm hứng vô cùng phong phú cho rất nhiều học giả “lập ngôn” diễn đạt tư tưởng ở thời đại của họ. Cũng chớ trêu thay, tư tưởng của Khổng Tử làm vẻ vang cho văn hóa Trung Hoa bao nhiêu, thì cũng chính tư tưởng đó đã kìm hãm xã hội Trung Hoa tiến bộ bấy nhiêu. Người Trung Hoa hiện đại đã nhiều lần muốn thoát khỏi sự ám ảnh của tư tưởng Khổng Tử mà cho đến nay vẫn không thoát nổi. Những thế lực muốn kìm hãm Trung Quốc phát triển đã đưa vào chiến lược của họ kế sách: tiếp tục ca ngợi Khổng Tử, đưa ông lên tận Mây Xanh, càng cao càng tốt.

        Trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, không có học thuyết nào diễn đạt hàng loạt vấn đề khổng lồ về thế giới quan, nhân sinh quan cực kì phức tạp mà chỉ cần kí hiệu bằng một cái vòng tròn. Vòng tròn mang tên Thái Cực đó  bên trong chứa hai giọt nước đen trắng vẽ cách điệu như đang ôm ấp nhau ở tư thế tráo đầu đuôi, ở phần đầu của mỗi giọt nước đều có hai điểm khác màu dễ liên tưởng như hai con mắt đang dõi nhìn nhau. Màu trắng tượng trưng cho Dương, màu đen tượng trưng cho Âm, hai điểm đen trắng như hai con mắt đó để ám chỉ rằng trong Dương luôn có Âm và trong Âm luôn có Dương; khi màu đen thót lại thì màu trắng phình ra, ngược lại khi màu trắng thót lại thì màu đen phình ra để ám chỉ Âm thịnh thì Dương suy, Dương thịnh thì Âm suy.

Còn tiếp ...

Đối tác: Ngân hàng Agribank
Đối tác: Ngân hàng BIDV
Đối tác: Ngân hàng Vietinbank
Đối tác: Công ty thiết kế web ADC
Đối tác: Sông Đà Việt Đức