1. Quan niệm về Thuốc của việt Y cổ truyền.
Theo nghĩa thông thường Thuốc là chất được chế biến dùng để phòng và chữa bệnh. Trong kho tàng tiếng Việt cổ Thuốc còn dùng để chỉ một hành vi tác động của chủ thể mưu toan điều khiển khách thể. Thường nghe dân gian nói: “không hiểu con bé ấy có bùa mê thuốc lú gì mà thằng cha ấy chết mê chết mệt”; hoặc: để bác bỏ một nhận định cho là không đúng của người đối thoại có địa vị xã hội cao hơn mình: “Bác lại thuốc em rồi!”. Thuốc của Việt y cổ truyền hình thành theo quan niệm đó. Hiểu theo nghĩa này, Thuốc là một giải pháp chữa bệnh. Thuốc chữa khỏi bệnh gọi là thuốc hay; thuốc không khỏi bệnh gọi là thuốc dởm. Coi thuốc là một giải pháp chữa bệnh, nên bệnh nào thì thuốc đó, “bệnh Quỷ thì phải có thuốc Tiên” là như vậy.
2. Phát hiện vật liệu để chế tác thuốc
Khi xác định rõ chứng bệnh thầy Lang đi tìm tính dược của thuốc mà kinh nghiệm nhiều đời đã chỉ định: “bệnh nào, thuốc đó”. Ví dụ: ”Vỏ bí đao thật khéo tiêu phù, xọp thuỷ thũng gì hơn Thương Lục”. (Tuệ Tĩnh: Toàn tập. Tr.397). Để có được chỉ định chắc chắn tự tin như vậy không phải do một thiên tài cá nhân làm được mà là kinh nghiệm tích góp từ nhiều đời và phải trả bằng rất nhiều mạng sống của người đi tìm thuốc.
Quy trình xác định một vị thuốc, một bài thuốc được thực hiện rất nghiêm cẩn theo những chuẩn tắc “truyền kỳ”; chẳng hạn: các vị thuốc được đưa vào cơ thể người phải có thuộc tính là thức ăn. Tuyệt đối cấm đưa vị thuốc độc vào cơ thể người bệnh. Vị thuốc gốc, dù là nọc của Bò cạp, rắn Hổ mang, nhựa Cóc phải được chế biến hết độc mới được đưa vào cơ thể người. Vị thuốc lạ mới phát hiện phải qua kiểm định cho các loài vật nuôi ở trong nhà gồm có: cá, chim, khỉ, chó, mèo, trâu, bò. Tất cả các con vật này ăn vị thuốc đó sau một ngày đêm mà vẫn an toàn thì mới được dùng để chế tạo thuốc.
Phần lớn dược liệu được Việt y cổ truyền lựa chọn để chế tạo thuốc đều xuất phát từ thức ăn. Có thể nói khái quát rằng: các món ăn quen thuộc có mặt thường xuyên trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt đều là dược liệu để chế tạo thuốc. Món ăn chủ lực của người Việt bình dân là gạo thì gạo cũng là một vị thuốc tham gia các bài thuốc chữa được rất nhiều bệnh về máu, bệnh tiêu hóa và cả bệnh thần kinh nữa. Hầu hết các loại rau, củ, quả mọc trên nước Việt mà ăn được đều là những vị thuốc đặc hiệu. Rất nhiều các loài hoa được Việt y cổ truyền coi là vị thuốc thần diệu. Những con vật mà người Việt đã thuần dưỡng từ động vật hoang dã để làm thức ăn cũng được nhiều thế hệ Lang thuốc tuyển chọn làm dược liệu để chế biến thuốc.
Ngoài thức ăn của con người được Việt y cổ truyền tuyển lựa để chế tạo thuốc chữa bệnh thì phải kể đến một số lượng lớn các loại thuốc đặc hiệu còn được tuyển lựa từ những cây cỏ, dong rêu mà các loài vật thường ăn cũng được phát hiện là những vật liệu để chế biến thành thuốc chữa bệnh nan y mà Tây dược, trung dược không biết đến. Vô số các loại côn trùng có mặt trong dược điển của Việt y cổ truyền. Nguồn dược liệu để chế biến thành thuốc chữa bệnh gần như là vô tận trong kho tàng Việt dược ở nước ta.
Những vật liệu trước khi trở thành Thuốc chữa bệnh đều phải trải qua một quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt. Bước thử thuốc đầu tiên diễn ra ở súc vật. Tổ tiên người Việt cho rằng những gì con vật ăn mà không chết là không có độc tố và vật liệu đó được sơ tuyển để chế tạo thuốc. Từ rất sớm ông bà ta đã nhận ra việc tiếp thụ thuốc ở cơ thể người khác rất xa với cơ thể súc vật. Khỉ có cấu trúc sinh học dạng hình giống người, nhưng cấu trúc gen của chuột lại gần với cấu trúc gen của người hơn. Nếu vị thuốc nào đó được cả hai loài vật này hấp thụ thì có cơ sở để sử dụng. Song, đó chưa phải là một bảo đảm rằng người sẽ tiếp thu vị thuốc đó. Chính vì thế mà trước khi cho người uống loại thuốc mới (mới đối với cơ thể người bệnh) phải qua khâu kiểm định trực tiếp ở người sẽ uống vị thuốc này. Cách thường làm là: Đổ dung dịch thuốc vào một ly thuỷ tinh, thầy Lang uống trước mặt bệnh nhân một ngụm thuốc để bệnh nhân tin thuốc không làm chết người. Sau đó cho người bệnh chải răng xúc miệng băng nước muối; kế đến cho người bệnh uống 100ml nước chanh muối nóng ở nhiệt độ 450C; sau 5 phút, cho người bệnh ngậm 10ml thuốc cần uống và làm động tác xúc miệng rồi nhổ ra một cốc thuỷ tinh trắng ghi số 1; tiếp đó người bệnh ngậm miệng, dùng lưỡi đảo vòng tròn trong miệng cho nước bọt tiết thật nhiều và làm động tác xúc miệng rồi nhổ nước bột ra cốc thuỷ tinh đánh số 2. Đợi cho các bong nước vỡ hết, dùng kính lúp có độ phóng to 10 lần quan sát dung dịch ở cả hai cốc thấy các hiện tượng sau đây:
1. Màu của dung dịch cốc số 1 giống y mầu thuốc và màu của dung dịch thuốc và màu ở cốc số 2 trong veo. Như vậy là thuốc không có khả năng thấm qua thành ruột để vào máu mà chỉ có tác dụng ở ống tiêu hoá.
2. Màu của dung dịch cốc số 1 khác màu thuốc đối chứng, lưng chừng cốc lửng lơ các chấm li ti, nhưng không chuyển động; màu của dung dịch cốc thứ 2 có chuyển màu nhưng nước còn trong. Thuốc được hấp thụ vào dòng máu lưu thông nhưng không có khả năng xâm nhập vào nội bào. Thuốc có tác dụng chữa bệnh ở máu và không tham gia chuyển hoá trong tế bào.
3. Mầu dung dịch cốc số 1 khác hẳn mầu của thuốc đối chứng, trong cốc xuất hiện nhiều hạt li ti, có tốc độ di chuyển nhanh và lan toả đều trong cốc; Màu dung dịch của cốc số 2 đục màu sữa. Thuốc được hấp thụ rất mạnh và loan toả được trong toàn cơ thể.
Kinh nghiệm kiểm định sự hấp thụ thuốc được dùng từ nhiều đời, liên hệ với kiến thức “Hóa - Sinh - Y học” hiện đại thấy rằng cơ sở khoa học của kinh nghiệm này là: Trong dịch nước bọt, ngoài các men tiêu hoá còn có nhiều chất sát trùng có bản chất Protein enzym của Hệ thống Bổ Thể; trong đó có chất Bacteriolysine. Người ta đã thấy enzym này diệt vi khuẩn rất hiệu quả. Hệ thống enzym này được các tế bào của tuyến nước bọt tiết ra khi khoang miệng có vật lạ. Các chấm nhỏ li ti thấy trong cốc số 1 chính là hình ảnh các enzym này tiếp cận với thuốc, sự chuyển động huyên náo của chúng chứng tỏ thuốc có khả năng tham gia chuyển hoá các chất trong cơ thể.
Trước khi kết thúc mục lựa chọn vật liệu để chế tạo thuốc, chúng ta tham khảo định nghĩa về thuốc Độc. Loài người đối diện với chứng ngộ độc vì thuốc độc ngay từ buổi bình minh của lịch sử chưa thành văn. Bằng kinh nghiệm thực tế của từng cộng đồng Người đã tìm ra thuốc giải độc hữu hiệu. Nhưng bản chất thuốc độc là gì; và vì sao thuốc độc lại có thể giết chết người thì chưa giải thích được. Phải đợi đến đầu thế kỷ 20 vào năm 1927, khi tổng kết quá trình nghiên cứu về sự hô hấp mô (còn gọi là hô hấp tế bào), nhà bác học Vacbua đã đưa ra nhận định: tất cả các tế bào động vật đều có chất xúc tác chứa sắt đặc biệt kém bền với nhiệt, làm hoạt hóa o xy khí trời hít vào. Chất xúc tác này sau đó được gọi tên là men hô hấp Xytocromoxydaza, chúng là những Protit phức tạp thuộc vào loại sắc tố gọi là Cromoprotit. Trong thành phần nhóm ngoại của chúng đều có chứa nhóm có sắt. Vacbua bắt đầu công trình nghiên cứu của mình bằng cách nghiên cứu vai trò của các hợp chất sắt trong o xy hóa có xúc tác các chất hữu cơ khác nhau và nhận thấy: những chất phong bế được sắt trong các mô, đều dẫn tới ức chế hô hấp mô. Những chất đó đều gọi là thuốc độc đối với cơ thể sống. Ví dụ, như: Xyanua; Sunfua Hydro; Cacbon oxyt; v.v…
3. Chế tác Thuốc
Y học dân gian coi việc chế tác thuốc mới chính là khâu thể hiện toàn bộ trí tuệ của thầy Lang. Nói hay, đoán bệnh mạch lạc, nhưng lời nói nghe bùi tai đó phải thể hiện qua “Thuốc có Hay không?”. Do đó khâu chế tạo thuốc mới là hoạt động chính của thầy Lang Dân gian nước Việt. Những gì nếu được gọi là bí quyết của y học dân gian đều ở khâu chế tạo thuốc. Khâu chế tạo thuốc có hai yêu cầu phải đạt được: (1) khai thác triệt để tính dược của thuốc; (2) Thuốc đi vào cơ thể qua đường thực quản, đường khí quản, qua da, qua các huyệt đạo… đều phải đến đúng ổ bệnh. Ví dụ: thuốc chữa bệnh máu thì chỉ vào dòng máu lưu thông không vào trong nội bào; thuốc chữa gan thì chỉ đến Gan, Mật, v.v... không vào các cơ quan khác.
Về khai thác triệt để tính dược của thuốc: Người Việt cổ cho rằng một cây thuốc, một con thuốc, một loại đất đá nào đó đã được tiền nhân tìm ra là chữa được được bệnh thì toàn bộ vị thuốc đó có rất nhiều “tư chất” của Trời và Đất hợp lại, chứ không thể chỉ có một chất mà chữa được bệnh. Cho rằng: Bệnh tật là sự trừng phạt của Trời Đất đối những hành vi của Con Người đã xúc phạm đến trật tự của Trời Đất. Nhưng Trời Đất tồn tại là vì con người, nếu không có con người thì Trời và Đất cũng không còn nữa. Do đó, Trời Đất cũng sinh ra các vị thuốc để chữa các chứng bệnh đó. Nhưng làm sao để cho con người phát hiện các vị thuốc đó? Cái Đói! Chính nhờ có “Cái Đói” mà loài người khám phá ra các vị thuốc. Trong rừng sâu, không có cái ăn lại bị sốt rét rừng hành hạ; vừa đói lại vừa khát đã làm mờ cả mắt khiến người ta không sợ bẩn nữa đã nhặt con dun đất đang bò gần đấy để ăn. Và kỳ lạ thay, chỉ ăn mấy con dun mà cắt cơn sốt, lại không đói nữa. Người ta nói cho nhau biết sự lạ này; qua nhiều lần kiểm chứng, con dun đất trở thành “một con thuốc” kỳ diệu. Luận điểm: “Trời sinh Voi; Trời sinh cỏ” ra đời từ sự quan sát thực tế này.
Bằng nhứng kinh nghiệm thực tế như thế đúc rút qua nhiều đời truyền lại cho nhau, nên khi tầm soát cơ thể con bệnh, thấy có biểu hiện bệnh gì là đã nhớ ngay đến vị thuốc chữa khỏi. Những thầy Lang có chữ đã dõng dạc phát ngôn: ”Nhân hạt gấc, bôi ung nhọt trên vú, tan/ Cuống dưa đá đồ mụn thịt trong mũi, tróc” (Tuệ Tĩnh: Sdd, tr. 396).
Tuy nhiên, muốn biến hạt gấc, cuống dưa đá thành vị thuốc đặc hiệu thì phải có trí tuệ của Lang thuốc chế tạo nó và quy trình chế tạo các vị thuốc đó lại rất khác nhau ở các thầy Lang. Cũng từ hạt gấc người ta có thể chế tạo thành thuốc đặc trị chữa được ung thư vú không phải cắt bỏ vú như Tây y đang làm, nhưng cũng với hạt gấc đó có người chỉ mang ngâm rượu thì sản phẩm rượu hạt gấc đó bôi vào kẽ móng tay bị xưng (chín mé) cũng không khỏi. Bí ẩn này nằm ở khâu khai thác tiềm năng hoạt chất của vị thuốc gốc và các chất xúc tác tham gia vào các hoạt chất chính của vị thuốc gốc. Y học dân gian có lý luận hẳn hoi về vấn đề này.
Người Việt cổ cho rằng: một cây, một con và cả những hòn đất, hòn đá, kim loại được phát hiện chữa được bệnh đều là những vật “Thiên di, Địa định”, nên nó không chỉ có một chất và chỉ chữa được một loại bệnh mà những chất bao quanh nó, nơi nó được sinh ra đều có tính "Thiên di, Địa định”; nếu bỏ qua các chất tham gia làm nên cây thuốc, con thuốc này thì đã bớt đi ý Trời và sự cưu mang của Đất, vị thuốc đó hết thiêng mà phải khai thác tổng thể, tận dụng hết tính dược có trong các vị đó thì mới có thể hoà hợp được với sự sống của cơ thể. Thực tiễn làm thuốc đã khiến cho gia tộc tôi thấm thía lời dạy bảo này của tiền nhân. Gạt bỏ màu sắc thần bí bề ngoài dễ nhận ra rằng, môi trường tạo nên vị thuốc, đặc biệt là những sản phẩm chuyển hoá của vị thuốc đó khi nó tồn tại trong môi trường cũng chứa các yếu tố dược tính. Lấy ví dụ chế biến con Dun Đất được mệnh danh là “Rồng Đất” thành một vị thuốc chủ công tham gia chữa trị các loại bệnh nan y.
Trong thập niên đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học Nhật Bản đã chứng minh bằng thực chứng trong Con dun đất có nhiều phức chất mang tính dược học: giảm sốt, trung hoà histamin, hạ huyết áp và ức chế sự co bóp của ruột non. Y học dân gian nước Việt đã sử dụng dun đất chữa bệnh rất lâu đời, đặc biệt là chữa sốt trong các bệnh nan y ung biếu và nhiễm tà trùng. Trong các bài thuốc cổ truyền “giải chài, giải ếm”, dun đất được huy động tới 3 loài để chữa sốt. Điều đặc biệt là y học đân gian chỉ dùng dun đất còn sống để chữa các triệu chứng sốt đặc biệt chứ không phải sốt thông thường. Sốt đặc biệt là: nhiệt thân của người bệnh chỉ giao động ở mức 37,20C đến 38,50C và kèm theo ra mồ hôi về đêm gọi là “mồ hôi trộm”. Căn cứ vào kinh nghiệm cổ truyền, đối chiếu với kiến thức Hóa - Sinh - Y học hiện đại, tôi gọi cái sốt này là cái “sốt thoái biến sinh học”, để phân biệt với biểu hiện sốt thông thường là “sốt sinh lý do phản ứng viêm”.
Dun đất dùng chế biến thành Thuốc phải chọn giống và chăn nuôi đặc biệt. Thức ăn dùng nuôi dun thực chất cũng là những tiền chất cung cấp cho dun chuyển hoá để tạo ra trong cơ thể dun những phức chất đặc biệt mà dun hoang dã không có. Thức ăn nuôi dun là hỗn hợp mùn hữu cơ bao gồm: rễ cây xấu hổ, rễ cây hoa nhài, thân và rễ cây đậu đen. Ba loại rễ này được băm nhỏ, trộn với các chất trong dạ cỏ của con nai (Gia bảo ghi lại: con dun đất được người Việt cổ đầu tiên phát hiện chữa được sốt rét tìm thấy trong đống phân con Nai đã ải mục) có cho một chút nước tiểu trẻ con, và rỉ mật, trộn đều và ủ yếm khí 14 ngày đêm. Sản phẩm thu được là một loại mùn có chứa hỗn hợp các enzym của quần xã vi sinh vật trong dạ cỏ nai tiết ra trong tăng sinh và các nguyên tố vi lượng của các loại rễ cây. Đây là thức ăn chăn nuôi con thuốc “Địa Thần”. Dun được đưa vào chăn nuôi chỉ mới là trứng dun, loại bỏ các dun con. Nuôi trong 36 ngày cho thế hệ dun đầu tiên trưởng thành. Bắt những con dun có chiều dài từ 10 cm trở lên để chế thuốc.
Trước khi mổ dun để chế thuốc phải chuẩn bị các hợp chất bao gồm; Đậu đen, rau ngót tươi ninh nhừ thành keo rồi làm khô đạt đô ẩm còn 14%. Lấy một bẹ chuối hột làm thớt mổ dun: Lấy 2 tăm tre nhọn, căng dun ra dùng cật tre xẻ dọc thân dun, rồi bỏ dun đã mổ vào bột đậu đen rau ngót. Khi dun đã được thấm hết máu, lấy thịt dun ra sấy khô ở nhiệt độ không quá 560C, sấy cho khô kiệt rồi lại phải qua khâu nướng dòn. Cách nướng dòn dun đất: Lấy phân của dun đất (phần đất đùn ở các lỗ dun) sao khô, khi đã đạt độ nóng khoản 800C cho dun vào nướng, khấy đều để phân dun luôn phủ kín dun. Khi thịt dun đã dòn, lấy ra, sàng hết phân dun. Thịt dun khô dòn nghiềm thật mịn, trộn lẫn vào bột đậu rồi dùng nước “cõi âm” làm tăng độ ẩm lại. Phân dun đang có độ nóng khoảng 1000C, lấy dấm ăn đổ vào không cho trào bọt, đun sôi trong 15 phút, tắt nguồn nhiệt để nước tự nguội. Sau đó chắt lấy phần nước trong để chế tạo nước ngâm mình cho người bệnh mỗi 7 ngày/lần.
Nước “cõi âm” là hơi nước trong lòng đất bốc lên từ lúc mặt trời lặn đến đúng lúc mặt trời mọc tại địa điểm lấy nước. Cách lấy “nước cõi âm”, áp dụng kinh nghiệm tìm nguồn nước ngầm để đào giếng của Dân gian: Trên địa hình tự nhiên, nơi nào có vị trí trũng nhất, đào sâu xuống khoảng 40cm, bề mặt là một hình tròn có đường kính 50cm, bỏ vào đó 3 con dun đất đã trưởng thành, 3 con dế dũi, rồi úp chậu lên; sau 12 tiếng đồng hồ, mở ra thấy có nước đọng trên thành chậu: đó là nước “cõi âm”, 3 con dun và 3 co dế còn sống nghĩa là nước không có độc tố. Nước “cõi âm” không phải là nước tinh khiết mà là nước đã nhiễm các nguyên tố vi lượng ở rất nhiều tầng địa chất bốc lên. Các nguyên tố vi lượng này dùng được vì dun và dế đều còn sống.
Hàng ngày nhiều nguyên tố vi lượng ở các tầng địa chất bốc lên, nhất là các nguyên tố vi lượng quý hiếm có hàm lượng kim loại ở ngưỡng Coenzym đã bị lãng phí không được sử dụng. Cách lấy nguyên tố vi lượng của y học đân gian quả là độc đáo.
Khi đã xác định được mỏ nước cõi âm rồi, tiến hành lấy nước trộn thuốc. Dùng giấy bản (giấy thấm nước), giải kín lòng hố, dải đều thuốc đã chế, phải nắm chắc ngày đó có nắng to, khi có ánh nắng mặt trời thì úp chậu, sau 24 giờ mở chậu lấy thuốc mang vào nơi râm mát, hong gió cho thuốc khô; nếu độ ẩm không khí cao thì phải sấy ở nhiệt độ không quá 560C. Khi thuốc đạt độ khô 14% thuỷ phần thì đóng gói, để sử dụng dần.
Còn tiếp ...